“Báo cáo nước thế giới năm 2023” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học & Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ủy quyền công bố vào Ngày Nước Thế giới hôm thứ Sáu cho biết, trên toàn cầu hiện có 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch.
Báo cáo cũng ước tính, cứ hai người trên toàn cầu thì có một người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch trong vài tháng mỗi năm và hiện có 3,5 tỷ người đang buộc phải trải qua điều kiện sống không hợp vệ sinh.
Tổng giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay, cho biết: “Ở một số nơi trên thế giới, tình trạng khan hiếm nước đã trở thành quy luật. Chúng tôi biết hậu quả của tình huống này là: tình trạng thiếu nước không chỉ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng địa chính trị mà còn gây ra mối đe dọa đối với các quyền cơ bản nói chung, chẳng hạn như làm xói mòn đáng kể vị thế của trẻ em gái và phụ nữ”.
Cũng theo UNESCO, những người nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nước hiện nay và mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đang đối diện nguy cơ thất bại.
Báo cáo trích dẫn các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc từ năm 2016 để ước tính rằng việc này sẽ tiêu tốn khoảng 1,7 nghìn tỷ USD từ năm 2016 đến năm 2030, tương đương 114 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, trên toàn thế giới, các khoản giải ngân hỗ trợ phát triển chính thức cho ngành nước đã giảm 15% trong giai đoạn 2015-2021, từ 9,6 tỷ USD xuống còn 8,1 tỷ USD.
Theo báo cáo, hơn 85% quốc gia (105 trong số 123 quốc gia trả lời khảo sát của UNESCO) có quy trình được xác định trong luật hoặc chính sách liên quan đến nước uống sạch và quản lý tài nguyên nước ở khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, chỉ 29 trong số 117 quốc gia phản hồi báo cáo có sự tham gia cao hoặc rất cao của các cộng đồng mục tiêu trong việc lập kế hoạch cũng như quản lý quy trình nhằm đạt được quản lý tài nguyên và nước uống sạch.
Nguyễn Khánh (theo DW, Vanguard, Al Jareeza)