“Choáng váng” là hai từ TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói với PV VietNamNet xung quanh vụ việc người vợ bị chồng bạo hành khi đang mang bầu 7 tháng.
Khi nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ với những vết thương chằng chịt trên mặt và trên thân thể, TS. Khuất Thu Hồng không nghĩ đó là kết quả của hành vi bạo lực trong 1-2 ngày mà phải là một quá trình kéo dài.
TS nhấn mạnh, đây không còn là bạo lực gia đình thông thường. “Đó là sự tra tấn kéo dài”, TS Khuất Thu Hồng khẳng định.
Để xác định nguyên nhân xảy ra vụ việc, TS Hồng cho rằng cần phải tìm hiểu thêm. Nhưng với cách thức tra tấn trong một thời gian dài như vậy thường chỉ xảy ra trong mối quan hệ của một người tự cho là chúa tể với nô lệ của mình.
“Rất nhiều người chồng Việt tự phong mình làm chúa tể như vậy. Đây không phải là trường hợp duy nhất”, TS. Khuất Thu Hồng đánh giá.
Nhiều năm tham gia tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, sau vụ việc đau lòng này, TS. Khuất Thu Hồng một lần nữa kêu gọi chị em phụ nữ hãy biết tự bảo vệ mình bằng cách lên tiếng, tìm kiếm sự hỗ trợ để được bảo vệ.
Theo đó, ngay từ lần đầu tiên bị bạo hành cần phải phản ứng rõ ràng và quyết liệt để đối phương hiểu rõ rằng mình không chấp nhận, không thoả hiệp với bạo lực.
“Dù ai làm sai (vợ hay con) cũng không thể dùng bạo lực để giải quyết. Chị em đừng xấu hổ, hãy lên tiếng ngay và tìm đến sự hỗ trợ. Tìm sẽ thấy – chỉ sợ bạn không muốn tìm mà thôi”, TS Khuất Thu Hồng khuyến cáo.
Ở khía cạnh khác, PGS.TS. Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN nhấn mạnh, từng có nhiều ý kiến nhận định bạo lực trong xã hội sẽ gia tăng sau đại dịch Covid-19.
“Nếu có chiến lược sẽ hạn chế tình trạng này, giảm thiểu nguy cơ tổn thương sức khoẻ tâm thần của người dân có xu hướng gia tăng sau đại dịch”, PGS. TS Trần Thành Nam nhận định.
Trở lại với trường hợp chị Giao, PGS. TS Thành Nam đánh giá đây là vụ việc rất xót xa. Ông đặt câu hỏi: Tại sao lại có người chồng bạo hành vợ thậm chí tra tấn vợ đến mức “thân tàn, ma dại’ đến như vậy?.
“Liệu có phải đối tượng này bị ảnh hưởng bởi chất nghiện, bị tổn thương sức khoẻ tâm thần, do văn hoá gia đình hay khả năng tài chính căng thẳng dẫn đến bất an…?
Chị Giao không phải mới bị bạo hành. Tại sao chị lại không nói, không tìm cách tố cáo ngay?.
Liệu có phải chị lo lắng, sợ hãi khi nghĩ đến hậu quả (sợ bị trừng phạt nặng hơn nếu lên tiếng)?. Người phụ nữ ấy xấu hổ, sợ mang nỗi nhục nhã bị chồng đánh nên nhịn nhục, câm nín? Hay chị quá nghèo đói, sống lệ thuộc kinh tế vào chồng? Hay do chị thiếu thông tin không biết tìm hỗ trợ ở đâu?”, PGS. TS Trần Thành Nam đặt vấn đề.
Ông cho biết, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp ước bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, Luật Bình đẳng giới cũng đã ra đời. Mới đây Luật phòng chống bạo lực gia đình cũng được bàn luận.
“Nhưng dường như sau đại dịch Covid-19, các cơ quan, các tổ chức bảo vệ trẻ em, phụ nữ cũng “tê liệt”.
Bằng chứng là những vụ việc nghiêm trọng như thế này vẫn xảy ra. Đặt giả thiết nạn nhân thiếu thông tin, hoặc bị quản chế (tước điện thoại, cấm ra ngoài) thì chị vẫn còn gia đình, hàng xóm, hội phụ nữ địa phương.Tại sao họ không biết?”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Khuất Thu Hồng cũng băn khoăn, những người xung quanh ở đâu trong thời gian người phụ nữ bị tra tấn nghiêm trọng như thế? Gia đình, hàng xóm, bạn bè, cộng đồng nơi cô ấy sinh sống có biết?.
Vào ngày 15/5, Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương nhận được báo cáo của Công an xã Kim Xuyên về trường hợp chị Bùi Thị Tuyết Giao (36 tuổi, ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) đang mang thai 7 tháng bị chồng Trần Văn Luân bạo hành dã man.
Qua quá trình xác minh, chiều 24/5, Cơ quan điều tra Công an huyện Kim Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với nghi phạm Trần Văn Luân.
Đồng thời, cơ quan điều tra Công an huyện Kim Thành cũng quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Luân.
Theo kết quả giám định của cơ quan pháp y, chị Bùi Thị Tuyết Giao có tỷ lệ thương tật 29% với tổng số 205 vết thương trên cơ thể.