Năm 2023 vừa đi qua với đầy khó khăn trên thế giới nói chung và Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy đó. Với Việt Nam, năm mới 2024 được xem là năm có nhiều chờ đợi, là cột mốc để thay đổi, quyết định tình hình cho các năm tiếp theo.
Đầu năm mới 2024, Tuổi Trẻ xin gửi đến quý bạn đọc những chia sẻ từ nhiều giới, nhiều ngành khác nhau cùng nhìn về năm 2024 với những chờ đợi chuyển mình.
* Đại biểu Quốc hội TRẦN ANH TUẤN (trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM):
Dự báo khởi sắc từ quý 2
Chúng ta đã trải qua một năm kinh tế khó khăn và nhiều thách thức. Trong đó ở các nước, lạm phát đã có xu hướng giảm, tiêu dùng có tín hiệu tăng trở lại, tỉ lệ thất nghiệp đang giảm và lãi suất có khả năng không còn duy trì tăng cao để ứng phó với các diễn biến tiêu cực khác…
Tất cả các diễn tiến này giúp luồng tiền của các nước phát triển quay trở lại và Việt Nam nằm trong số các nước đón nhận được các nguồn vốn này.
Những tín hiệu tích cực này được dự báo sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam và TP.HCM. Trong đó, các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị gia tăng cao như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… sẽ có nhiều ưu thế hơn để phát triển.
Tôi kỳ vọng điều này bởi trong năm qua, dù trước tác động của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước khó khăn nhưng chúng ta đã có sự chuẩn bị và đầu tư rất lớn các nguồn lực để đón nhận cơ hội mới. Trong đó về đổi mới sáng tạo, chúng ta đã có hàng loạt chính sách khuyến khích phát triển, các ưu đãi về tín dụng, trọng tâm vào các ngành chế biến chế tạo, công nghệ kỹ thuật, khoa học công nghệ, chuyển đổi số…
Năm 2023, Việt Nam thu hút được khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chúng ta thu hút trọng điểm và các lĩnh vực khuyến khích như công nghệ. Điều này sẽ tạo nên những kỳ vọng về sức bật mới cho dòng vốn đầu tư chất lượng cao, tạo tính lan tỏa.
Chúng ta cũng đã đi phát triển thị trường, khai mở nhiều thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Đông, châu Mỹ… Đặc biệt, chúng ta đã thiết lập và nâng cấp được mối quan hệ ngoại giao với nhiều đối tác lớn. Những hợp tác này không chỉ dừng lại ở cấp nhà nước, cấp chính phủ mà còn là hợp tác với địa phương.
Từ đó, tôi cho rằng tất cả những nỗ lực trên sẽ tạo nền tảng và động lực cho chúng ta cất cánh trong năm 2024, đặc biệt là từ quý 2. Những nỗ lực cải cách, đầu tư hạ tầng cũng như định hướng phát triển như vậy sẽ giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội để phát triển mạnh mẽ các ngành có hàm lượng gia tăng cao hơn.
Vấn đề quan trọng là chúng ta thực thi chính sách ra sao, tạo tính kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp thế nào để tăng cường hơn nữa sức cạnh tranh và nguồn lực cho phát triển trong giai đoạn phục hồi sắp tới. Tôi mong Nhà nước, Chính phủ và địa phương sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng mọi cơ hội đang có để kinh tế Việt Nam bứt tốc trở lại.
* Đại biểu Quốc hội NGUYỄN NGỌC SƠN:
Tin tưởng 2024 đất nước sẽ tăng trưởng cao
Khi thảo luận về kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 6 (khóa XV) vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 – 6,5% trong năm 2024 trong khi tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn. Tôi cho rằng với sự nỗ lực của Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội, mục tiêu này có thể đạt được.
Lý do: Chúng ta đang tập trung tối đa vào ba trụ cột đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm về giao thông, tôi tin rằng khi giao thông đã thông thương, các hoạt động khác sẽ đạt được kỳ vọng, đặc biệt là xuất khẩu trong thời gian qua có dấu hiệu tích cực.
Chúng ta kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giữ tốt đà đang đi lên của nền kinh tế trong năm 2023, đặc biệt không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5% trong năm 2024 mà còn tạo ra môi trường phát triển kinh tế – xã hội toàn diện.
Bên cạnh đó, năm 2024 là tiền đề để chuyển đổi luồng đầu tư, đã có sự dịch chuyển về cơ hội đầu tư không chỉ theo hướng sản xuất và gia công, mà đầu tư các ngành công nghệ cao tạo ra giá trị gia tăng cao cho đất nước. Chúng ta cũng kỳ vọng sẽ kêu gọi được các tập đoàn lớn của thế giới đến với Việt Nam.
Vì vậy nếu năm 2024 tận dụng tốt được cơ hội đó, có thể Việt Nam sẽ tạo ra làn sóng kêu gọi đầu tư và tạo ra niềm tin đầu tư, thúc đẩy nhà sản xuất, hoạt động dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng…
* LÊ THANH HẢI (23 tuổi – thủ khoa song ngành, thủ khoa toàn trường Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Mong liên kết giữa đại học trong và ngoài nước
Là sinh viên vừa tốt nghiệp, tôi phần nào cảm nhận được chất lượng đào tạo ở các trường đại học Việt Nam trong những năm qua đã có rất nhiều bước tiến nếu so với khoảng 5 – 10 năm trước. Chương trình đào tạo liên tục được cập nhật và chuẩn hóa. Đặc biệt, liên kết quốc tế giữa các trường đại học trong và ngoài nước ngày càng đa dạng, hợp tác về chương trình, nghiên cứu và hoạt động giao lưu.
Tôi nghĩ đó có thể xem là một trong nhiều động lực phát triển khi các trường đại học có thể học hỏi và tận dụng được những nguồn lực từ các trường ở nhiều nước.
Trong năm 2024 và thời gian tới, tôi kỳ vọng những liên kết giữa các trường đại học trong và ngoài nước sẽ ngày càng được gia tăng. Sinh viên cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Các bạn sẽ có thêm những chuyến giao lưu quốc tế và học kỳ trao đổi, được tham gia những hoạt động học thuật, nghiên cứu với sinh viên khắp nơi. Tôi nghĩ tới một ngày các kết nối quốc tế đủ về cả số lượng lẫn chất lượng, một sinh viên dù đang học ở đại học Việt Nam nhưng sẽ có những trải nghiệm không khác gì đang du học.
TS NGUYỄN ĐÌNH HẬU (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội):
Giáo dục đại học cần sự bứt phá
Tất cả chúng ta đều kỳ vọng năm 2024 Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, bởi nhìn lại trong bối cảnh kinh tế – xã hội thế giới còn nhiều khó khăn nhưng thực tế năm 2023 chúng ta vẫn đạt được những kết quả bước đầu, mặc dù chưa thật sự hài lòng.
Với riêng lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong năm 2024, tôi thấy rằng điều cần nhất chính là phải có một sự bứt phá để phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, đưa ra xã hội những sinh viên đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Trong đó rất cần việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật đầy đủ, đồng bộ để thực hiện tự chủ đại học một cách đầy đủ, có chiều sâu. Đồng thời có cơ chế để các nhà khoa học có được sự tự chủ rất cao để sáng tạo, thể hiện trách nhiệm của mình trong nghiên cứu. Kèm theo đó, cần có nguồn đầu tư đủ lớn của ngân sách để hỗ trợ các nhà khoa học trong nghiên cứu các công trình, đề tài. Ngoài ra đảm bảo chính sách tiền lương, thu nhập, đãi ngộ tương xứng với các nhà giáo là điều rất cần thiết.
Một nội dung khác cũng cần chú trọng trong năm 2024 là tăng cường việc xếp hạng đại học ở Việt Nam và các trường cần tham gia sâu hơn vào xếp hạng đại học toàn cầu. Bởi việc này sẽ tạo ra sự cạnh tranh dẫn đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu tốt hơn.
PGS.TS LÊ THANH LONG (giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM –
Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023):
Tận dụng tối đa những cơ hội mà thời đại mới mang lại
Trong hai năm vừa qua, không thể kể hết những hỗn loạn trên thế giới và tất nhiên Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, Việt Nam đã cố gắng vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2024 và khẳng định vững vàng vị thế của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
Chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực không ngừng để vượt qua những thách thức và tận dụng tối đa những cơ hội mà thời đại mới mang lại. Trong lĩnh vực cơ khí, Việt Nam có thể tập trung vào việc phát triển công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao hơn. Điều này không chỉ giúp cải thiện nền kinh tế, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, học hỏi từ các quốc gia tiên tiến và áp dụng những bài học đó vào thực tiễn của mình.
Tôi mong các bạn trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo và kiên trì, nỗ lực để vượt qua mọi thách thức, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thạc sĩ NGUYỄN THÀNH ĐẠT (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Hiền tài sẽ quyết định vận mệnh dân tộc
Năm 2023, thế giới tiếp tục đối diện với những khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Trong khi đó, cùng với thể chế chính trị ổn định, năm 2024 Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục trở thành quốc gia lý tưởng thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế.
“Ngoại giao cây tre” đã khẳng định Việt Nam nhất quán với đường lối độc lập tự cường, một quốc gia yêu chuộng hòa bình và là điểm đến an toàn cho du khách. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ lên mức 5,5%, trong khi Tổ chức Fitch Ratings dự báo 6,3% trong năm 2024.
Tuy nhiên để Việt Nam có thể phát triển lâu bền, tôi mong rằng giáo dục cần được chú trọng, quan tâm, đầu tư và cải tiến hơn nữa trong năm 2024. Câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung cách đây hơn 500 năm như một lời khẳng định rằng chính trí tuệ của người dân Việt sẽ quyết định vận mệnh của dân tộc Việt.
CHI PU:
Học hỏi để làm giàu hơn cho văn hóa Việt Nam
Khi chia sẻ những điều này, tôi đang ở Trung Quốc, chuẩn bị diễn cho chương trình giao thừa của Đài truyền hình Hồ Nam cùng nhiều nghệ sĩ nước bạn.
Thời tiết rất lạnh nhưng từ ban tổ chức, các đồng nghiệp cho đến khán giả đều rất quan tâm đến tôi, làm tôi có cảm giác rất ấm áp.
Năm 2024, tôi mong sẽ chứng kiến Việt Nam của chúng ta phát triển mạnh mẽ. Hy vọng mọi người đều có cơ hội học tập, làm việc, phát triển và đóng góp cho đất nước.
Riêng trong lĩnh vực của mình, tôi hy vọng có thêm nhiều chương trình, sự kiện giao lưu về văn hóa nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ Việt có thể giao lưu và trình diễn ở nước bạn.
Đây cũng là dịp để quảng bá những gì tốt đẹp về văn hóa, du lịch ở đất nước mình và học hỏi từ nước bạn để làm giàu hơn cho văn hóa của ta.
Tuoitre.vn