Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ông Lăng Đức Quyền (Ling Dequan), nhà nghiên cứu Trung Quốc về các vấn đề Việt Nam, khẳng định năm 2024 là “một năm bội thu” của ngoại giao văn hóa Việt Nam. Theo ông, ngoại giao văn hóa là công việc thường xuyên, liên tục, toàn diện và sẽ mang lại nhiều kết quả theo thời gian.
Theo ông Lăng Đức Quyền, văn hóa là “máu thịt và linh hồn” của một dân tộc, văn hóa là “dưỡng chất” nuôi dưỡng một dân tộc và thấm vào máu của nhân dân, văn hóa có quan hệ mật thiết với cách ứng xử của con người và cách ứng xử của một quốc gia, bởi văn hóa quyết định quan niệm, quan niệm quyết định hành vi và ý thức tư duy của một dân tộc.
Thế giới hiện đã bước vào kỷ nguyên “ngoại giao văn hóa”, đề cập đến việc giao lưu và trao đổi quan điểm, thông tin cũng như các loại hình nghệ thuật và các lĩnh vực văn hóa khác nhau giữa các quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và ngoại giao văn hóa. Ngoại giao tổng thể của Việt Nam bao gồm bốn thành phần: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng. Trong đó, ngoại giao chính trị là động lực, ngoại giao kinh tế là đột phá, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần. Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
Ngoại giao văn hóa của Việt Nam phát triển cùng với sự phát triển của ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao nhân dân và được nâng tầm cùng với sự phát triển sức mạnh quốc gia toàn diện cũng như sức mạnh mềm của Việt Nam. Ông Lăng Đức Quyền cho rằng năm 2025, ngoại giao văn hóa của Việt Nam cũng như các lĩnh vực khác sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác quảng bá văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc cũng như vai trò của văn hóa trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền cho rằng việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc đã đạt được hiệu quả rõ rệt, yếu tố văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngoài ra, ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có dư địa phát triển rất lớn. Những điều này không chỉ áp dụng cho phía Việt Nam mà còn cho cả Trung Quốc.
Cũng theo ông Lăng Đức Quyền, nền văn hóa của Trung Quốc và Việt Nam rất tương đồng nhưng cũng có những đặc sắc riêng, có sự giao lưu, giao thoa và có cả lịch sử lâu đời. Ông cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát rất hay quan hệ Trung – Việt thành 6 chữ: “Đồng văn, đồng chủng, đồng chí”. Văn hóa của hai nước cùng thuộc vùng văn hóa Đông Á, không có các yếu tố xung đột mà chỉ bổ sung, học hỏi lẫn nhau.
Ông Lăng Đức Quyền cho biết thêm, người Trung Quốc hiểu về văn hóa Việt Nam chủ yếu qua 3 kênh: du lịch, hàng hóa và Internet. Vai trò của ngoại giao chủ yếu là mở đường, làm cầu nối cũng như phục vụ tốt hơn việc trao đổi các đặc tính văn hóa giữa các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực và các kênh của hai nước. Vì thế, có thể thấy ngoại giao văn hóa có phạm vi rất rộng lớn, tiềm năng to lớn và có ý nghĩa lớn lao.