Những con số ấn tượng của Cần Thơ sau 20 năm
Báo cáo với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng toàn thể đại biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập TP.Cần Thơ trực thuộc Trung ương diễn ra tối 31.12, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sau 20 năm hình thành và phát triển, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ nguồn lực của Trung ương; sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của các bộ, ban ngành, TP.Cần Thơ đã có sự phát triển nhanh chóng, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.
Thành tựu nổi bật là quy mô nền kinh tế được mở rộng; đến năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 118.000 tỉ đồng, gấp 10,2 lần so với năm 2004. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2023 đạt 94,7 triệu đồng, gấp 9,2 lần so với năm 2004, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo hướng, phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư đã thay đổi nhanh chóng diện mạo thành phố, đặc biệt là hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, các công trình văn hóa – thể thao, y tế, giáo dục – đào tạo, nông thôn mới…
Các dự án giao thông quan trọng qua địa bàn TP.Cần Thơ như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Bắc – Nam phía đông, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, dự án đường vành đai phía tây đang được quan tâm đẩy mạnh triển khai. Cùng với đó là các dự án lớn khác đang được nghiên cứu triển khai như: dự án nạo vét luồng hàng hải Định An, hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ tiếp tục sẽ mở ra không gian phát triển mới mạnh mẽ hơn trong thời gian tới cho thành phố.
“Những thành tựu đạt được trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, theo mục tiêu Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị đã xác định: Đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL…”, ông Hiếu nói.
Xứng đáng là trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, Cần Thơ là thành phố trẻ, năng động, giữ vai trò rất quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước; được bồi đắp bởi phù sa của dòng sông Hậu, một nhánh của dòng Mê Kông hùng vĩ. Cần Thơ được biết đến với những vườn cây trái và cánh đồng rộng lớn; nổi tiếng là nơi “gạo trắng, nước trong”, có bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng mang đậm bản sắc, giá trị văn hóa độc đáo Nam bộ; nơi sinh ra và hội tụ của những doanh nhân yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Châu Văn Liêm… Người dân Cần Thơ giàu lòng yêu nước và cách mạng, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch và sáng tạo, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước biểu dương những thành tựu to lớn mà TP.Cần Thơ đã đạt được trong suốt 20 năm qua… “Những thành tựu to lớn mà thành phố đạt được đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển TP.Cần Thơ; sự đóng góp rất quan trọng của các thế hệ lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành và nhân dân. Để đến hôm nay, diện mạo Cần Thơ từ nội thành đến ngoại thành có nhiều thay đổi, sạch hơn, sáng hơn, đẹp hơn, đời sống người dân khá hơn, vui hơn; tầm nhìn xa hơn và khát vọng cao hơn… Đây là nền tảng quan trọng, tạo đà cho Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, xứng đáng là thành phố trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước”.
Chủ tịch nước cũng gợi mở cho Cần Thơ một số nội dung, định hướng để tiếp tục xây dựng phát triển thành phố xứng đáng với kỳ vọng, thực sự trở thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL. Trước hết là cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL. Từ đó, tập trung phát huy hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách của Trung ương dành cho ĐBSCL và thành phố; phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của một đô thị trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông…
Tiếp đến là cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng khoa học – công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị hàng hóa, dịch vụ gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Từ đó, đưa thành phố thực sự trở thành trung tâm của ĐBSCL về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân, một cực tăng trưởng của ĐBSCL và cả nước; góp phần kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông.
“Phát huy truyền thống của thành phố anh hùng, cùng những thành tựu to lớn đạt được sau 20 năm thành lập, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục giành được nhiều kết quả to lớn hơn nữa; không ngừng phấn đấu để xây dựng, phát triển TP.Cần Thơ thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; xứng đáng là trung tâm động lực, là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL”, Chủ tịch nước bày tỏ.
Dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Cần Thơ, đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 26.11.2003, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 “Về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”, theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành TP.Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang. Từ ngày 1.1.2004, TP.Cần Thơ trực thuộc Trung ương chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Năm 2024 là một mốc son đánh dấu sự phát triển quan trọng khi Cần Thơ tròn 20 năm trực thuộc Trung ương.