20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 – 13-10-2024) là một chặng đường dài trong hành trình phát triển của doanh nhân. Trên chặng đường đó, đã có những doanh nghiệp (DN) bứt tốc tăng trưởng, khẳng định vị thế; nhưng vẫn còn nhiều DN khá lận đận…
Mong manh “sân nhà”
Tại Lễ tôn vinh DN, doanh nhân tiêu biểu TPHCM năm 2024 chiều 11-10, nhiều doanh nhân Việt Nam đã có cơ hội trải lòng cùng lãnh đạo TPHCM và các cơ quan chức năng liên quan về những khó khăn, thuận lợi mà DN đang phải đối mặt.
Ông Trịnh Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng, cho biết, rất tự hào là DN đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này đã trúng thầu xây dựng sân vận động bóng đá ở Qatar phục vụ Wolrd Cup. Thật ra, DN cơ khí hiếm có cơ hội tham gia vào những dự án lớn trên toàn cầu, nên làm được điều này không dễ. Có 4 yếu tố mà DN buộc phải xây dựng nếu muốn có tên trên thương trường.
Cụ thể là: nguồn nhân lực và nội lực vốn phải sẵn sàng; chất lượng sản phẩm phải đảm bảo và tin cậy dài lâu; xây dựng quy mô DN đủ tầm để gia nhập thị trường quốc tế; nhà máy sản xuất phải đáp ứng đạt tiêu chuẩn mà thị trường đặt ra. “Cũng phải nói thêm, nếu có sự thấu hiểu, đồng hành và gánh vác từ phía lãnh đạo thành phố, Chính phủ, cơ quan chức năng về chính sách hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi hóa hạ tầng giao thông, hạ tầng số và hạ tầng xanh…, thì gánh nặng của DN sẽ được giảm nhẹ. Bản thân DN được tiếp sức và việc tăng tốc phát triển nhờ vậy sẽ nhanh hơn”, ông Dũng khẳng định.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, xót xa cho rằng, DN Việt đang bị ứng xử chưa bình đẳng: có thể tham gia đấu thầu các dự án lớn quốc tế nhưng lại gặp khó tại chính sân nhà của mình. Đây là trăn trở nhức nhối trong cộng đồng DN.
Những tiêu chuẩn tham gia hồ sơ thầu được thiết kế dành cho các nhà thầu nước ngoài, khiến các DN trong nước không thể đáp ứng. Đó cũng là nguyên nhân mà một thời gian dài, DN Việt có thể phát triển thị trường xuất khẩu nhưng không trụ được với thị trường trong nước.
Không chỉ vậy, tình trạng thiếu nhất quán trong ban hành và thực thi chính sách, sự thay đổi quá nhanh các chính sách vốn, hỗ trợ đầu tư, kích cầu thị trường… cũng đẩy DN vào thế khó khăn. Diễn giải cho vấn đề này, ông Tống kể, DN ngành công nghiệp hỗ trợ vốn quy mô nhỏ, nội lực yếu và biên độ lợi nhuận mỏng. Phần lớn hiện chỉ mới phát triển ở tầm mức gia công cấp 2 đến cấp 4 cho các DN nước ngoài.
Do vậy, chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất vốn vay thông qua chương trình kích cầu đầu tư là rất quan trọng. Thế nhưng, sự gián đoạn đột ngột chương trình vào năm 2020 đến nay đã khiến nhiều DN điêu đứng vì cầm cự không nổi. Đến tháng 7-2024 vừa qua, chương trình này đã được thành phố kích hoạt lại nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai được trên thực tế.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) chia sẻ, bối cảnh kinh tế hiện nay đòi hỏi DN cùng lúc phải thực hiện được chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu… Để làm được điều này, DN phải đủ mạnh, đủ lớn.
Chưa kể, DN còn phải nắm bắt, nhận diện và lựa chọn áp dụng những yếu tố xanh, chuyển đổi số phù hợp với mình. Do vậy, vai trò định hướng, dẫn dắt của các cơ quan chức năng là rất quan trọng để giúp DN phát triển đúng hướng.
Mạnh lên để góp sức nhiều hơn
Để “nuôi dưỡng” sức mạnh, sự bền bỉ và nền tảng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, cần thiết phải có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư từ phía cơ quan chức năng. Ông Trịnh Tiến Dũng cho rằng, lãnh đạo TPHCM nói riêng và bộ ngành chức năng nói chung cần tháo gỡ nhanh những nút thắt liên quan đến thủ tục hành chính. Việc số hóa quản lý hành chính công, giảm tiếp xúc trực tiếp là giải pháp hiệu quả nhất.
Kế đến, cần có cơ chế thoáng, hành lang pháp lý phù hợp để DN đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, phát triển thị phần trên sân nhà, tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Cùng với đó, chính sách điều hành cần thúc đẩy gia tăng nguồn vốn đầu tư cho DN một cách ổn định, dài hơi. Riêng hạ tầng giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là tại khu vực cửa ngõ cảng được ví như “mạch máu” của nền kinh tế. Một khi “mạch máu” thông suốt thì các hoạt động giao thương của DN cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Buổi gặp gỡ lắng xuống khi ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết, chỉ tính riêng số tiền đóng góp của doanh nhân gửi đến đồng bào bị ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua đã lên đến 300 tỷ đồng. Con số này đã thể hiện sự mong muốn chung vai của doanh nhân với chính quyền, người dân vượt qua nghịch cảnh. Tất nhiên, sức khỏe DN tốt sẽ đóng góp cho thành phố, đất nước thực hiện chương trình an sinh xã hội hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI: TPHCM chỉ phát triển khi có sự chung tay từ cộng đồng DN
Cầu thị, thấu hiểu và đồng hành là phương châm mà thành phố đã và đang làm nhằm song hành tốt hơn cùng DN. Những ý kiến, thắc mắc, trải lòng của DN được chia sẻ thẳng thắn sẽ là dữ liệu thông tin thực tế, sát sườn mà thành phố đang nỗ lực thay đổi nhằm hỗ trợ thuận lợi hơn cho sự phát triển của DN.
TPHCM là trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước, chính quyền thành phố sẽ xem xét và xây dựng hệ chính sách toàn diện để tháo gỡ những vướng mắc mà DN đang gặp phải. Việc gia cố nội lực – nền tảng để DN chuyển đổi, phát triển đã được thành phố tính đến và sẽ bố trí nguồn vốn thực hiện. Đồng thời, thành phố thúc đẩy các cơ quan chức năng liên quan gia tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công để sớm đưa nguồn vốn đến tay DN.
Về giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thành phố đang gấp rút triển khai số hóa đồng bộ các cấp, các ngành kết hợp đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Chúng tôi kêu gọi DN mạnh dạn, chủ động tham gia cùng xây dựng TPHCM, cùng TPHCM thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế. TPHCM chỉ có thể phát triển nếu có sự cộng hưởng và chung tay từ cộng đồng DN.
ÁI VÂN – HẠNH NHUNG – MAI HOA – LƯƠNG THIỆN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/20-nam-ngay-doanh-nhan-viet-nam-13-10-2004-13-10-2024-khi-doanh-nhan-trai-long-post763399.html