TP HCMChị Oanh, 34 tuổi, đau bụng vùng trên rốn, bác sĩ chẩn đoán viêm tụy mạn, có sỏi kích thước 1,9 cm ở vùng đầu tụy là nguyên nhân gây đau.
Ngày 24/9, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan – Mật – Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả sinh thiết mô tụy lành tính. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng người bệnh có sỏi hoặc u nhầy nhú trong ống tụy.
Từ năm 14 tuổi, chị Oanh thường xuyên bị đau quặn bụng, khoảng 6-7 tháng tái phát một lần, mỗi lần 5-7 ngày. Gần đây, tình trạng đau bụng nhiều hơn, sức khỏe sa sút.
Các bác sĩ hội chẩn đưa ra các phương án xử lý khi phẫu thuật. Nếu là sỏi tụy, bác sĩ chỉ cần phẫu thuật lấy sỏi và nối ống tụy với ruột non. Trường hợp u nhầy nhú, người bệnh được phẫu thuật cắt khối tá tụy (một phần của dạ dày, tá tràng, tuyến tụy).
Do u nhầy nhú khả năng tiến triển thành ác tính cao, bác sĩ phải phẫu thuật thăm dò, song song nội soi ống tụy. Khi mở vùng thăm dò bác sĩ nhận thấy có tình trạng viêm tụy mạn, ống tụy giãn lớn đường kính 0,9-1 cm, nội soi đường mật ghi nhận viên sỏi ở vùng đầu tụy. Theo bác sĩ Khánh, sỏi gây tắc nghẽn tại ống tụy, viêm tụy mạn khiến người bệnh đau bụng suốt 20 năm.
Bác sĩ nội soi lấy sỏi và nối ống tụy với ruột non. Chị Oanh hết đau bụng, hồi phục tốt, xuất viện sau một tuần điều trị, tiếp tục theo dõi sức khỏe, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Khánh, đây là ca bệnh khó chẩn đoán, quá trình phẫu thuật phải thận trọng. Nguyên nhân gây viêm tụy mạn thường do canxi hóa, nhưng chị Oanh mắc bệnh do một viên sỏi mềm ở đầu tụy. “Trường hợp này khá hiếm gặp”, bác sĩ Khánh cho biết.
Theo BS.CKII Võ Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, 70% viêm tụy mạn xảy ra do uống rượu bia trong thời gian dài, sỏi mật, xơ nang, mỡ máu, tác dụng phụ của một số loại thuốc. Khoảng 20-30% số người bị viêm tụy mạn không rõ nguyên nhân, có thể do bẩm sinh hoặc khiếm khuyết di truyền. Chị Oanh nằm trong nhóm không rõ nguyên nhân gây bệnh.
Viêm tụy có hai loại gồm cấp tính và mạn tính. Triệu chứng thường gặp là đau bụng trên có thể lan ra sau lưng, buồn nôn, nôn mửa, sụt cân, phân có mỡ. Nếu không điều trị viêm tụy cấp kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy cơ quan, viêm tụy hoại tử nhiễm trùng, tử vong. Viêm tụy mạn dễ dẫn đến ung thư tuyến tụy, rối loạn chức năng ngoại tiết, đái tháo đường.
Bác sĩ Ngọc Bích khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa bệnh sớm như hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, nhiều muối. Ăn uống khoa học, cân đối các nhóm dưỡng chất. Người bệnh đái tháo đường, mỡ máu cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát biến chứng viêm tụy. Người có triệu chứng bệnh nên đến bệnh viện có khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |