Ngày 23-8-2024, Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam – Đà Nẵng kỷ niệm 20 năm hoạt động, 20 năm đồng hành với Tuổi Trẻ, tiếp sức cho những tân sinh viên khó nghèo mà ham học của quê hương vang danh “ngũ phụng tề phi”.
“Gần đủ rồi, 100 suất học bổng dành cho tân sinh viên Quảng Nam của năm nay coi như đã xong, chúng tôi chỉ còn đợi danh sách tân sinh viên từ Tuổi Trẻ chuyển tới” – bà Kiều Thị Kim Lan vui mừng thông báo sau một hồi bấm máy tính cộng khoản đóng góp của các thành viên.
Nhà báo Lê Hoàng, nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam – Đà Nẵng
Nhà báo Lê Hoàng, nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, người đầu tiên đề xướng thành lập Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam 20 năm về trước, kể chuyện giản dị: “Chúng tôi học hỏi anh em Quảng Trị, thấy họ thành lập được câu lạc bộ rồi, giúp Tuổi Trẻ tìm nguồn lực cho học bổng, đưa thông tin về địa phương để tìm các hoàn cảnh khó khăn giúp con em quê hương. Hay quá! Nghĩ Quảng Nam cũng nên làm, tôi bàn với mấy anh em thân thiết rồi tổ chức một bữa cơm trưa với nhóm bạn đồng hương. Ý tưởng vừa đưa ra được hưởng ứng ngay, đúng là Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm…“.
Ông Phạm Phú Tâm, đương kim chủ nhiệm câu lạc bộ, cười: “Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy có 15 người. Ai cũng biết câu “Quảng Nam hay cãi”, chớ trong chuyện này không thấy ai cãi cọ chi hết, đồng thuận lập tức.
Mỗi người lại về rủ rê thêm anh em mình, bạn bè mình. Tới nay danh sách nhà hảo tâm đóng góp của câu lạc bộ thống kê ra gần 200 người. Có người đồng hành với chúng tôi suốt 20 năm, có người 10 năm, có người cùng đi một đoạn ngắn, và ngắn dài gì cũng là quý giá cả.
À, cũng có người cắc cớ rằng anh Lê Hoàng là người của báo Tuổi Trẻ (nguyên tổng biên tập) thì vận động cho Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường là phải quá, còn tôi là người của báo Pháp Luật, sao lại đi làm cho Tuổi Trẻ?
Nói vậy để cho có vẻ “hay cãi” thứ thiệt, chớ ai cũng hiểu đây là vận động học bổng cho em cháu mình, quê hương đất nước mình”.
Rất nhiều sinh viên Quảng Nam được tiếp sức đến trường suốt 20 năm qua tấm lòng của những người đi trước
Bà Kiều Thị Kim Lan – thủ quỹ của nhóm – “bật mí”: “Yếu tố vùng miền ở đây là có thiệt chớ sao không được?! Cứ khi Tuổi Trẻ công bố chương trình, chúng tôi khởi động vận động trên nhóm mạng xã hội của câu lạc bộ. Chỉ là trên mạng thôi, mấy ông ấy cũng “cãi” ngay bằng tin nhắn, ví dụ như: “Ông A sao đóng 1 suất được, phải 2-3 suất”, “Sao anh B đóng có 10 triệu, phải 30-50 triệu chớ…”.
Nhờ cứ “cãi”, cứ đùa giỡn vậy mà các thành viên câu lạc bộ trở nên rất gắn bó, việc vận động rất mau chóng hoàn thành, và mỗi lần họp mặt thì ôi thôi, vui nổ trời”.
Các thành viên nữ trong Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam – Đà Nẵng trong lễ trao học bổng năm 2022
Ngày 23-8-2024 cũng sẽ là một dịp “vui nổ trời” như thế, khi mà tất cả những người đã từng đóng góp vào hàng ngàn suất học bổng của tân sinh viên Quảng Nam đều sẽ được mời về họp mặt.
“Nhưng chúng tôi lại chờ đợi ngày 21-9 hơn, ngày sẽ được về Hội An tặng học bổng cho tân sinh viên. Mà chắc cũng chỉ có câu lạc bộ của chúng tôi là “chơi sang”, trao học bổng ở resort 5 sao”, ông Phạm Phú Tâm bảo.
Ông Nguyễn Thành Sang – Chủ tịch HĐQT Palm Garden Resort (Hội An)
Và đúng như thế, suốt mười mấy năm rồi, từ ngày Câu lạc bộ Quảng Nam – Đà Nẵng có sự tham gia của vợ chồng ông Nguyễn Thành Sang, những buổi lễ trao học bổng tại Quảng Nam được tổ chức trong hội trường sang trọng của khu Palm Garden Resort – Hội An, các tân sinh viên được chiêu đãi bữa ăn trưa đúng chuẩn khách sạn 5 sao, được tham quan điểm du lịch lộng gió bên biển Cửa Đại.
“Các em có một kỷ niệm đẹp, chúng tôi cũng rất cảm kích, tự hào là câu lạc bộ “chơi sang” nhất chương trình”, ông Tâm bảo vậy. Còn ông Nguyễn Thành Sang, chủ khu resort, thì không nói lời nào cho sự tài trợ vô điều kiện của mình suốt mười mấy năm qua.
Người Quảng Nam có lúc ồn ào nhưng lại rất nhiều khi lặng lẽ. Dự nhiều buổi trao học bổng ở Quảng Nam – Đà Nẵng, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nhà tài trợ rút khăn lau nước mắt khi nghe lời tâm sự của các tân sinh viên được mời lên giao lưu.
Sau phút xúc động trào nước mắt ấy, nhiều người rút ví, tìm thêm chiếc phong bì, có người dúi vào tay cô cậu sinh viên tấm danh thiếp với lời dặn tha thiết “Gọi điện cho cô chú”… Nay gợi hỏi lại, họ đều lắc đầu như đã quên những câu chuyện đó.
Nhưng là những người tham gia trong chương trình, chúng tôi phải nhớ. Và chuyện của Nguyễn Thị Nghĩa nối dài đến tận hôm nay trong Tiếp sức đến trường là một câu chuyện nên nhắc lại.
Mùa học bổng Tiếp sức đến trường 2008 ấy phải nói là đẫm nước mắt của Nghĩa. Cha bị tâm thần, mẹ bỏ nhà đi, lam lũ đủ việc mưu sinh từ nhỏ, Nghĩa không nhớ mình đã trở thành trụ cột, chỗ dựa của cha và bà nội từ bao giờ nữa. Nghĩa chỉ có niềm vui khi được đến trường, chỉ có hy vọng đặt trong việc học.
Năm 2007 Nghĩa đậu đại học, đã ra Đà Nẵng học được một học kỳ. Rồi không có tiền đóng học phí, bà nội đau bệnh, Nghĩa lại quay trở về làm một cô công nhân trong xí nghiệp tôm đông lạnh vào ca từ 2h sáng. Vậy nhưng cô không từ bỏ mơ ước.
Năm 2008, Nghĩa lại một lần nữa đậu đại học, lần này là Đại học Luật TP.HCM. Đậu rồi, vẫn đi làm công nhân, vẫn chưa biết lấy tiền đâu đi học. Thông tin về Tiếp sức đến trường chưa đến được với Nghĩa, nhưng cô gái quyết tâm phải tìm ra cách tự giúp mình. Cô đi lên xã, lên huyện tìm hỏi cách vay tiền đi học. Không có người bảo lãnh, không quỹ nào cho vay, nhưng một cán bộ Huyện Đoàn cho Nghĩa biết: có học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên, tuy nhiên huyện đã kết xong danh sách gửi tới Tỉnh Đoàn rồi…
Hôm nay Nghĩa bảo vẫn còn “nổi gai ốc” khi nhớ về hôm ấy: “Nghe tin ấy, hy vọng le lói, trong túi không có một đồng, tôi cầm mảnh giấy ghi địa chỉ Tỉnh Đoàn và chiếc nón bảo hiểm ra lộ vẫy xe xin quá giang bất kỳ ai, bất kể đoạn đường dài ngắn. 75km từ Đại Lộc tới Tam Kỳ, quá giang 13 người”.
Đến được trụ sở Tỉnh Đoàn Quảng Nam, gặp được người phụ trách học bổng, Nghĩa được trả lời: danh sách đã xong từ lâu, ngày mai đã là ngày phát học bổng. Cô gái tưởng đã rất trưởng thành trong vất vả òa lên khóc không dừng được. Những người đang tất tả chuẩn bị cho buổi lễ ngày mai bối rối. Một cuộc điện thoại được gọi đi, và tên Nguyễn Thị Nghĩa được bổ sung.
Ngày hôm sau, giữa buổi trao học bổng, Nghĩa được mời lên sân khấu chia sẻ câu chuyện của mình. Một lần nữa cô bật khóc, nhưng lần này rắn rỏi hơn: “Nếu học bổng đã hết suất, hôm nay em chỉ xin được giúp đỡ đủ chiếc vé xe để vào TP.HCM. Tới nơi, em sẽ xin việc làm ngay để được đi học. Em sẽ phải tốt nghiệp được đại học”.
Ở dưới sân khấu, nhiều người rơi nước mắt. Nghĩa không chỉ nhận được chiếc vé xe. Ngay lập tức học phí đại học của Nghĩa đã được gom đủ. Cô Kim Lan đưa số điện thoại: “Khi tới bến xe gọi ngay cho cô, sẽ có người đón”. Và Nghĩa đã làm con gái trong nhà cô Lan suốt bốn năm đại học, “và làm con gái đến tận bây giờ”, Nghĩa nói vậy.
Bây giờ, Nghĩa đã có việc làm, có chồng, có con, có nhà ở thành phố Đà Nẵng. “Căn nhà an cư lạc nghiệp này có một phần tiền cô Kim Lan cho vay. Giờ tôi đi làm được 10 đồng sẽ dành dụm gửi trả cô 5 đồng, dù cô bảo không cần trả. Tiền còn trả được, ơn nghĩa thì ghi lòng suốt đời. Trước đây cô giúp tôi, giờ lại giúp cả gia đình tôi. Cô luôn ở đó, như một cái bệ đỡ khi tôi rơi xuống…
Tiếp sức đến trường là bước ngoặt cuộc đời tôi như vậy. Tôi đang phấn đấu tiếp tục để ổn định cuộc sống chính mình, và đến lượt mình có thể giúp đỡ người khác, trả ơn cuộc đời”.
Năm 2017, Nguyễn Thị Nghĩa kể lại kỷ niệm cô nhận học bổng năm 2008: Chương trình đã cho tôi một người mẹ
Những câu chuyện như vậy ở Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam còn nhiều, và hôm nay các anh chị đều bảo: giúp người không nên nhắc. Ông Phạm Phú Tâm lặp lại: “Tiếp sức đến trường, tôi quan niệm đúng là tiếp sức, như một chai nước, một gói năng lượng trao cho vận động viên trong cuộc chạy marathon, quyết định trong cuộc chạy ấy là nghị lực, nỗ lực của chính các bạn.
Tiếp sức là quý lắm, nhưng cái lớn hơn là trợ sức tinh thần, mang đến niềm tin và sự ấm áp khi các bạn bước vào xã hội. Các bạn trưởng thành, vượt thoát được số phận của mình là chúng tôi vui mừng rồi”.
Bà Kiều Thị Kim Lan, nhân vật chính trong câu chuyện của Nghĩa, bảo: “Nhìn lại quá trình hoạt động của câu lạc bộ, cũng như của toàn chương trình Tiếp sức đến trường, tôi thấy thành tựu thì có nhưng thành công thì chưa. Vì số lượng các tân sinh viên khó khăn còn nhiều lắm, chúng ta mới giúp được một số em thôi, chưa thể giúp hết được. Khi nào không còn những bạn tân sinh viên phải cực lòng trước ngưỡng cửa đại học nữa thì mới dám nghĩ đến thành công”.
Gia nhập câu lạc bộ đã 8 năm và lập tức trở thành một thành viên trụ cột, ông Nguyễn Tâm Tiến nhìn về hoạt động câu lạc bộ với cái nhìn của một doanh nhân: “Nơi đây không chỉ là nơi đóng góp học bổng, chúng tôi giữ giao lưu với nhau, chia sẻ những giá trị cuộc sống, nuôi ấm tinh thần. Những ấm áp ấy giúp chúng tôi vượt qua được khó khăn kinh tế mấy năm qua, duy trì được hoạt động, giữ được học bổng thường niên.
Học bổng này cho chúng ta cơ hội chia sẻ với xã hội rất ý nghĩa, nuôi cho chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của đất nước mình qua sự trưởng thành của thế hệ trẻ”.
Từ suất học bổng đầu tiên đến buổi lễ đầu tiên trao 22 học bổng, đến hàng ngàn suất học bổng một mùa và lời công bố tự tin: “Tân sinh viên gặp khó – Có Tuổi Trẻ”, những bước đi dài của Tiếp sức đến trường sẽ không thể dài được đến thế nếu không có sự tiếp sức của các câu lạc bộ Tiếp sức đến trường các tỉnh thành như Câu lạc bộ Quảng Nam – Đà Nẵng.
Tân sinh viên được tiếp sức đến trường, mở ra một tương lai tươi sáng hơn
TẤN LỰC – DUYÊN PHAN – Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
23-8-2024
Nguồn: https://tuoitre.vn/20-nam-an-tinh-dat-quang-nhung-nguoi-dong-thuan-tiep-suc-tan-sinh-vien-ngheo-20240821190537386.htm