(Dân trí) – Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh rằng Việt Nam có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, công nghệ, blockchain “đã đi vào ngóc ngách của từng gia đình”.
Việt Nam có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới
Chia sẻ tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024) diễn ra sáng 3/12, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhận định rằng thế giới đang trải qua những biến động chưa từng có, từ các khủng hoảng địa chính trị đến những đứt gãy trong chuỗi cung ứng.
“Việt Nam đang trở thành bến đỗ an toàn nhất trong bão táp địa chính trị thế giới”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch FPT cho rằng với mối quan hệ ngoại giao ngày càng phát triển cùng các cường quốc và vị thế vững chắc trong khu vực, Việt Nam đang trở thành một điểm sáng thu hút. “Việt Nam có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới”, ông nói.
Ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh rằng dữ liệu đã trở thành nhiên liệu quan trọng nhất cho mọi nền kinh tế. “Nếu được chọn một từ, tôi sẽ chọn dữ liệu”, ông nhấn mạnh.
AI, blockchain và các công nghệ số khác đều dựa vào dữ liệu để phát triển. Tuy nhiên, ông Bình cũng cảnh báo rằng, dữ liệu chỉ phát huy giá trị khi được quản lý đúng cách và có chính sách hỗ trợ phù hợp.
“Việt Nam đang có thế và lực để tỏa sáng trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải dấn thân và hành động ngay hôm nay”, ông Trương Gia Bình khẳng định.
Tài sản số không biên giới, khung pháp lý là điều kiện tiên quyết
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, cũng nhấn mạnh rằng công nghệ và blockchain không còn là những khái niệm xa vời mà đã “đi vào ngóc ngách của từng gia đình”.
Tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Forbes, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm các tài sản số. Ông Hưng cho rằng sự phát triển của các ứng dụng blockchain là một minh chứng rõ nét cho tiềm năng và sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức lớn mà thị trường Việt Nam đang đối mặt.
“Đây không phải là câu chuyện chỉ về công nghệ, mà là câu chuyện của hệ sinh thái”, ông nói. Ông cho rằng Việt Nam vẫn thiếu một khung pháp lý rõ ràng để hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm phát triển, tránh rủi ro bị lừa đảo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Ông so sánh: “Tài sản hữu hình thì có biên giới, có hải quan. Nhưng tài sản số thì không”. Vì vậy, cần một khung pháp lý minh bạch để quản lý, giúp các doanh nghiệp Việt Nam không phải sang nước ngoài như Singapore để thành lập và để tài sản được công nhận hợp pháp.
Ông cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp công nghệ không chỉ cần vốn, mà còn cần một môi trường pháp lý ổn định. “Chúng tôi muốn bỏ tiền để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không biết làm thế nào nếu thiếu khung pháp lý rõ ràng”, ông Hưng chia sẻ.
Chủ tịch SSI cho rằng nếu Việt Nam không xây dựng được một thị trường mạnh mẽ và bền vững ngay từ hôm nay, cơ hội lớn về tài sản số sẽ bị bỏ lỡ và “không biết đến khi nào mới có cơ hội lần nữa”. “Nếu hôm nay không có người đốt lửa sẽ không có đám cháy”, ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng Việt Nam cần một khung pháp lý để những người sáng tạo, những người đầu tư và toàn bộ hệ sinh thái công nghệ yên tâm phát triển. Chỉ khi đó, Việt Nam mới thực sự trở thành một trung tâm công nghệ mạnh mẽ không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/2-ty-phu-truong-gia-binh-nguyen-duy-hung-noi-ve-du-lieu-blockchain-20241203130120288.htm