Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Cách tốt nhất để loại bỏ thuốc trừ sâu trên rau quả trước khi ăn; Vì sao một số người lại đổ quá nhiều mồ hôi khi tập thể dục?; Món ăn cụ bà 110 tuổi ăn hằng ngày có gì đặc biệt?…
Thời điểm uống cà phê không có lợi cho sức khỏe
Cơ quan y tế hàng đầu của Ấn Độ mới đây đã đưa ra lời khuyên đáng chú ý liên quan đến cà phê.
Cụ thể, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) đã khuyên để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, có 2 thời điểm không nên uống cà phê.
Mặc dù thừa nhận tầm quan trọng văn hóa của trà và cà phê, ICMR vẫn cảnh báo không nên uống cà phê quá mức do nó có thể có những tác động tiềm ẩn đến sức khỏe, cả trà cũng vậy.
Các nhà nghiên cứu hàng đầu của Hội đồng Y khoa giải thích rằng cà phê và trà đều chứa caffeine, có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương và gây nghiện.
Cụ thể, hướng dẫn của ICRM nhấn mạnh hàm lượng caffeine có trong nhiều loại trà và cà phê. Ví dụ, 1 tách cà phê 150 ml có chứa từ 80 – 120 mg caffeine, trong khi 1 gói cà phê hòa tan chứa khoảng 50 – 65 mg.
Mặt khác, lượng caffeine trong trà dao động từ 30 – 65 mg mỗi tách. Và điều độ là chìa khóa, với lượng caffeine khuyến nghị hằng ngày giới hạn ở mức 300 mg.
Một lưu ý đặc biệt của ICMR là tránh uống cà phê, trà ít nhất 1 giờ trước và sau bữa ăn. Lý do là do hàm lượng tannin chứa trong những đồ uống này có tác dụng phụ là cản trở quá trình hấp thụ sắt trong cơ thể. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 24.5.
Cách để loại bỏ thuốc trừ sâu trên rau quả trước khi ăn
Trong khi trái cây và rau quả rất cần thiết cho chế độ ăn uống lành mạnh thì điều lo ngại là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng một số phương pháp hiệu quả có thể giúp giảm đáng kể sự hiện diện của thuốc BVTV trên nông sản.
Mọi người sử dụng nhiều loại vật liệu để khử và loại bỏ thuốc trừ sâu khỏi trái cây. Nhưng các chuyên gia cho rằng tốt nhất là rửa bằng nước.
Giáo sư Marvin Pritts, từ Khoa Trồng trọt, Đại học Cornell (Mỹ), cho biết rửa bên ngoài không chỉ làm sạch bụi bẩn, sâu bọ và vi khuẩn, mà còn làm giảm dư lượng thuốc BVTV.
Giáo sư Pritts cho biết, đầu tiên bạn nên chọn những thực phẩm ít bị nhiễm thuốc trừ sâu hơn như bơ, xoài, cà rốt… Sau đó, rửa và gọt vỏ có thể giúp giảm phơi nhiễm.
Nghiên cứu năm 2000 cho thấy rửa rau quả có thể loại bỏ 9 trong số 12 loại thuốc trừ sâu. Và một nghiên cứu cùng năm cho thấy nước có hiệu quả loại bỏ thuốc trừ sâu tương tự như sử dụng các chất tẩy rửa khác. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 24.5.
Vì sao một số người lại đổ quá nhiều mồ hôi khi tập thể dục?
Đổ mồ hôi là một trong những chức năng quan trọng để duy trì sức khỏe. Khi nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng lên, khoảng 3 triệu tuyến mồ hôi trên da sẽ hoạt động để làm mát. Tuy nhiên, một số người sẽ đổ nhiều mồ hôi hơn người khác khi tập thể dục.
Đối với những người tập gym thì đổ mồ hôi là dấu hiệu cho thấy họ đang có buổi tập hiệu quả. Tuy nhiên, một số người khi tập luyện lại đổ nhiều mồ hôi hơn người khác. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Những người có cơ thể to lớn hơn thì khi tập luyện sẽ tạo ra nhiệt nhiều hơn. Do đó, cơ thể họ cũng sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn. Ngoài ra, người có các khối cơ nạc to hơn thì cũng đổ nhiều mồ hôi hơn so với người ít cơ.
Tập thể dục thường xuyên cũng khiến một người đổ mồ hôi nhiều hơn người khác. Ví dụ, 2 người cùng bước lên máy chạy bộ nhưng người tập luyện đều đặn sẽ đổ nhiều mồ hôi hơn người mới tập hoặc thỉnh thoảng tập. Điều này là do cơ thể người tập thường xuyên đã quen với cường độ tập và sớm có phản ứng làm mát cơ thể.
Trên thực tế, phản ứng đổ mồ hôi của cơ thể sẽ thay đổi để tương thích với mức độ tập luyện của chúng ta. Chẳng hạn, người mới tập thì mồ hôi sẽ đổ ít nhưng khi đã tập lâu thì mồ hôi sẽ đổ nhiều hơn. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngay-moi-voi-tin-tuc-suc-khoe-2-thoi-diem-khong-nen-uong-ca-phe-185240523221008628.htm