Các nhà lãnh đạo của Malaysia và Indonesia, 2 nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, hôm 8/6 đã cam kết hợp tác để buộc Liên minh châu Âu hủy bỏ các biện pháp bảo vệ rừng được thông qua hồi tháng 4 vì có sự “phân biệt đối xử”, làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu mặt hàng này.
Từ trước đến nay, 2 quốc gia Đông Nam Á chỉ hành động riêng rẽ để phản đối những quy định của EU mà họ cho rằng không công bằng đối với chuỗi cung ứng dầu cọ, loại dầu thực vật được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới.
Trong một tuyên bố chung, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo cho biết, cả hai quốc gia sẽ hợp tác chặt chẽ để giải quyết “các biện pháp phân biệt đối xử rất bất lợi” đối với dầu cọ trong Quy định về Phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR). Tuyên bố được đưa ra sau khi 2 nhà lãnh đạo gặp mặt trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Jokowi tới Malaysia kể từ năm 2019.
Vào tháng 4, Nghị viện châu Âu đã thông qua EUDR nhằm ngăn chặn việc bán dầu cọ, đậu nành, cà phê, ca cao, thịt bò, cao su, gỗ, than củi, và các sản phẩm phái sinh như da, sô cô la và đồ nội thất được sản xuất trên đất bị phá rừng sau năm 2020. Bộ luật này đang chờ sự phê duyệt cuối cùng của các thành viên EU.
Theo quy định này, tất cả các công ty tham gia kinh doanh các sản phẩm này và sản phẩm phái sinh của chúng đều phải tuân thủ các yêu cầu thẩm định nghiêm ngặt khi xuất khẩu sang hoặc bán trong EU.
Malaysia và Indonesia chiếm khoảng 85% tổng lượng xuất khẩu dầu cọ toàn thế giới. Loại dầu này thường được dùng để sản xuất nhiều sản phẩm, từ bánh ngọt đến mỹ phẩm.
Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng dầu cọ là nguyên nhân gây ra nạn phá rừng nhiệt đới ở 2 quốc gia này, phá hủy môi trường sống của các loài động vật quý hiếm.
Malaysia đã mô tả bộ luật mới này là “không công bằng” và là một nỗ lực nhằm bảo vệ thị trường hạt có dầu nội địa của EU, vốn không thể cạnh tranh với dầu cọ. Quốc gia này cũng cho rằng nó sẽ có tác động bất lợi đối với nông dân quy mô nhỏ, những người không thể đáp ứng chi phí để tuân thủ bộ luật này.
Các nhà hoạch định chính sách của EU đã bác bỏ những tuyên bố này, nói rằng các quy tắc áp dụng cho tất cả các mặt hàng được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới, và thị trường EU vẫn mở cửa cho dầu cọ được sản xuất bền vững.
Hồi tháng 5, Malaysia và Indonesia đã gửi một phái đoàn chung tới Brussels để gặp các quan chức chính phủ cấp cao của EU nhằm bày tỏ những quan ngại về EUDR.
Cả 2 quốc gia cũng đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại với EU trong khi chờ đợi các cuộc đàm phán nhằm đối xử công bằng hơn đối với các hộ sản xuất dầu cọ nhỏ bị ảnh hưởng bởi EUDR, theo tờ Financial Times.
EUDR chỉ là vấn đề mới nhất ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa EU và 2 nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới.
Năm 2019, Indonesia đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lên án EU về hành vi thương mại không công bằng khi quyết định ngừng sử dụng dầu diesel sinh học làm từ dầu cọ. Malaysia cũng đệ đơn kiện EU lên WTO vào năm 2021.
Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, The Jakarta Post, Nikkei)