Mới đây, các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội cho biết đã tiếp nhận hai trường hợp bị vỡ túi nâng ngực. Điều đáng nói là bệnh nhân bị vỡ túi ngực mà không triệu chứng và không hay biết.
Đó là một phụ nữ 55 tuổi (Hà Nội), đặt túi ngực từ năm 2010. Bệnh nhân tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám tổng quát, kết quả siêu âm, chụp MRI cho thấy hình ảnh túi ngực bên trái đã vỡ. Bệnh nhân cho biết, không thấy dấu hiệu bất thường nên không hay biết túi ngực đã vỡ.
Trường hợp thứ 2 là phụ nữ 31 tuổi (Hà Nam) tới khám do thấy vùng ngực trái căng tức và biến dạng. Được biết, người phụ nữ này đã đặt túi nâng ngực cách đây 4 năm. Kết quả chiếu chụp cho thấy túi ngực bên trái của bệnh nhân bị vỡ, vùng khoang ngực xung quanh túi ngực có nhiều dịch.
BS Hoàng Hồng, phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, cả hai trường hợp đều được chỉ định phẫu thuật sớm để lấy túi ngực ra ngoài, làm sạch dịch tiết cũng như silicone gel thoát ra xung quanh, làm sạch khoang túi, đồng thời đặt túi ngực mới trở lại. Bã sĩ cảnh báo, việc vỡ túi ngực nếu không được phát hiện và xử lý sớm, dịch tích tụ nhiều có thể dẫn tới các phản ứng viêm, nhiễm trùng lan rộng, gây biến dạng ngực, phải điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, khi ngực đã bị viêm nhiễm, nếu đặt túi độn lại sẽ tăng nguy cơ bị xơ dính, co bao.
Nguyên nhân khiến chị em bị vỡ túi ngực
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần khiến túi độn ngực của chị em bị vỡ:
Do túi ngực hết tuổi thọ
Các nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến vỡ túi ngực là do quá trình lão hóa bình thường của túi ngực. Bởi vì tất cả các bộ phận giả đều có tuổi thọ được khuyến nghị và có xu hướng bị vỡ khi vượt quá giới hạn dự kiến này.
Tài liệu và kinh nghiệm cá nhân các bác sĩ ước tính khoảng tuổi thọ khuyến nghị này có thể dao động từ 12 đến 35 năm. Tất cả các trường hợp vỡ xảy ra trong vòng 20 năm đầu đều là vỡ sớm so với tuổi thọ và nguyên nhân gây vỡ có thể là một nguyên nhân khác.
Do lỗi sản xuất
Những vết vỡ sớm hơn tuổi thọ dự tính có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau như lỗi sản xuất gây ra điểm yếu sớm trên thành túi trước khi thời hạn sử dụng đến.
Do chấn thương
Chấn thương cũng có thể dẫn đến vỡ túi ngực. Hầu hết các chấn thương không gây vỡ túi ngực ngoại trừ chấn thương trực tiếp với tốc độ cao (ví dụ như va chạm vào vô lăng trong một vụ tai nạn xe).
Do thủ thuật y khoa
Thủ thuật chọc hút tuyến vú nhằm xác định tình trạng viêm tuyến vú, ung thư vú,… gây vỡ túi ngực do đầu kim chọc vào túi ngực.
Những biến chứng thường gặp khi chị em bị vỡ túi ngực
Khi bị vỡ túi ngực mà không được điều trị, người bệnh có thể gặp các biến chứng như: Viêm vú với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ da vùng vú; Áp xe vú với các triệu chứng chảy dịch vú bất thường, loét da; Canxi hóa tuyến vú với các hạt canxi lắng xung quanh túi độn; Co thắt bao xơ là tình trạng mô vú xung quanh túi độn cứng lại.
Khuyến cáo, khi có bất kỳ thắc mắc nào về khả năng vỡ túi ngực cũng như các dấu hiệu bất thường sau khi đặt túi ngực một thời gian, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra sớm nhất.
Chị em cần làm gì để chăm sóc túi ngực?
Sau phẫu thuật đặt túi ngực, chị em cần tuân thủ các biện pháp sau để đảm bảo vết thương mau lành và duy trì bầu ngực như mong muốn:
– Tránh ngủ nghiêng hoặc nằm sấp trong ít nhất 6 tuần.
– Không uống rượu bia, hút thuốc lá và thuốc làm loãng máu như aspirin.
– Tránh để vết thương bị ướt trong 3 – 5 ngày sau phẫu thuật.
– Không mặc áo ngực có gọng trong khoảng 6 tuần sau xuất viện.
– Không vận động mạnh vì có khả năng làm rách đường khâu.
– Thoa kem dưỡng da lên ngực thường xuyên để giữ ẩm, tăng độ đàn hồi, giúp ngực săn chắc.
– Duy trì cân nặng ổn định bằng cách ăn uống lành mạnh.