Bằng nỗ lực và khát vọng cháy bỏng, nữ sinh Phan Linh Lan (học sinh Trường quốc tế Concordia, Hà Nội) đã trúng tuyển ĐH Harvard, Phí Ngọc Lâm Uyên (học sinh Trường liên cấp Olympia, Hà Nội) trúng tuyển ĐH Dartmouth (ĐH top đầu Mỹ) với học bổng trị giá 8,5 tỷ đồng.
Hành trình bước ra thế giới của 2 nữ sinh này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Tài năng đa ngôn ngữ và tình yêu lịch sử
Ở tuổi 18, Phan Linh Lan đã ghi tên mình vào danh sách sinh viên của ĐH Harvard – ngôi trường mơ ước của hàng triệu học sinh toàn cầu. Điều đặc biệt là Linh Lan không chỉ sở hữu bảng thành tích học tập xuất sắc với điểm học tập, chứng chỉ gần tuyệt đối, loạt giải thưởng quốc tế cùng khả năng nói tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Trung thành thạo.
Linh Lan có mục tiêu du học Mỹ từ lớp 6, em đặc biệt quan tâm đến ĐH Harvard. Chính vì có mục tiêu sớm nên Linh Lan luôn cố gắng, nỗ lực, phát triển bản thân để có thể đáp ứng được những yêu cầu của ngôi trường top đầu của Mỹ. Linh Lan hứng thú với lịch sử, chính trị và các hoạt động văn hóa. Chủ đề bài luận chính của Lan cũng nói về mong muốn được học, hiểu hơn về lịch sử Việt Nam trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển và hội nhập, từ đó tìm cách gìn giữ văn hóa dân tộc. Đây cũng là lý do nữ sinh học đàn tranh trong nhiều năm, bên cạnh piano và violin.
Niềm đam mê với lịch sử đã giúp Linh Lan chinh phục bài luận gắt gao của ĐH Harvard. Với Linh Lan, lịch sử không chỉ là những câu chuyện về quá khứ mà còn là chìa khoá đẻ hiểu rõ hơn vể côn người và thế giới hiện tại. Niềm say mê với lịch sử, văn hóa của Linh Lan còn được thể hiện qua nhiều hoạt động, như tham gia lớp Nghiên cứu khoa học xã hội, có nhiều nghiên cứu lịch sử, chính trị, và gần đây nhất là dự án cho cuộc thi ngày Lịch sử quốc gia của trường.
Linh Lan còn được biết đến là nữ sinh rất năng nổ khi tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá. Em là thành viên tích cực của DECA quốc tế – tổ chức phi lợi nhuận với nhiều hoạt động dành cho học sinh, sinh viên. Từ đầu năm 2023, em giữ vị trí chủ tịch DECA Việt Nam. Ngoài ra, Linh Lan còn giành 2 giải Nhất trong năm lớp 9 và 10 tại AI-JAM US – cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật được tổ chức thường niên tại thung lũng Silicon, Mỹ. Linh Lan cùng bạn tham gia với đề tài về bảo tồn các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam bằng cách sử dụng công nghệ AI để phát hiện âm thanh của động vật; ngăn ngừa tai nạn giao thông bằng cách sử dụng AI để phát hiện lỗi đường bộ.
Sự “khác biệt” và đam mê nghiên cứu khoa học
Không kém phần ấn tượng là câu chuyện của Phí Ngọc Lâm Uyên, nữ sinh Trường liên cấp Olympia, Hà Nội, người vừa giành được học bổng trị giá 8,5 tỉ đồng từ ĐH Dartmouth – một trong những ngôi trường top đầu của Mỹ.
Nói về lý do trúng tuyển ĐH Dartmouth, Lâm Uyên cho rằng điểm khiến cho em khác biệt so với các ứng viên khác là sở thích thể thao mạo hiểm như lặn biển, bắn cung. Trong lịch sử tuyển sinh, ĐH Dartmouth rất thích các ứng viên có tính phiêu lưu để hòa nhập vào văn hóa nhà trường.
Câu chuyện về sở thích lặn biển được Uyên đưa vào bài luận của mình. Bắt đầu từ một cô bé có phần hướng nội đã thay đổi thế giới quan ra sao khi chìm dưới đại dương và nhìn cả hai thế giới: một thế giới trên cạn và một thế giới dưới nước. Những suy tưởng của nữ sinh về hai thế giới, về hành trình khám phá nội tâm và phát triển bản thân bắt đầu từ việc lặn dưới nước và đi lên bờ, dũng cảm tháo vỏ bọc và cởi mở đón nhận những điều khác biệt.
Bài luận của Uyên cũng chia sẻ về sở thích viết lách. Hiện Uyên có nhiều bản thảo tiểu thuyết thể loại giả tưởng bằng tiếng Anh và dự định sẽ phát triển chúng thành các tác phẩm hoàn chỉnh.Dự án hội thảo viết sáng tạo Writing Through (do nhà văn người Mỹ Sue khởi xướng) mà Uyên tổ chức cho gần 100 học sinh THPT tại miền Bắc cũng là một điểm sáng trong hồ sơ của em.
Bên cạnh đó, Lâm Uyên còn được biết đến với niềm đam mê dành cho nghiên cứu khoa học. Em là đồng tác giả của một công bố thuộc danh mục Q2 nghiên cứu về tác động của phân bón lên các thành phần hóa học của tinh dầu húng quế. Ngoài ra, lớp 10, Lâm Uyên giành 2 huy chương vàng khoa học kỹ thuật quốc tế, trong đó nổi bật là nghiên cứu ứng dụng phương pháp in 3D trong sản xuất chip mô phỏng cơ quan sinh lý người phục vụ cho các phòng thí nghiệm và giảng dạy y khoa. Dự án này của Uyên đã vượt qua hơn 600 thí sinh để giành giải vàng tại thung lũng Silicon, Hoa Kỳ.
Định hướng nghề nghiệp mà Uyên theo đuổi là lĩnh vực hóa sinh. Em cũng có hứng thú đặc biệt với việc nghiên cứu tâm lý người ở góc độ khoa học não bộ. Do đó, mục tiêu của Uyên tại Dartmouth là học thêm chuyên ngành tâm lý.
Nguồn: https://danviet.vn/2-nu-sinh-tai-nang-chinh-phuc-dai-hoc-danh-tieng-the-gioi-20241229064802279.htm