(Dân trí) – Tại các trường đại học, chu kỳ thay đổi chương trình khoảng 2 năm. Trong thời gian đó, công nghệ và thị trường đã thay đổi… Giáo dục và đào tạo đã thua trong cuộc đua với công nghệ.
Đó là một trong những đánh giá của TS Thái Kim Phụng, Phó hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế (Đại học Kinh tế TPHCM), tại Hội nghị khoa học về Kinh tế, Xã hội và Công nghệ 2024 do Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT) tổ chức.
Tiến sĩ Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM, cho biết hội nghị là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, công nghệ
Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang trải qua những biến động lớn, từ sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, sự chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu, cho đến những thách thức về xã hội và môi trường, ông Lân nhấn mạnh, việc nghiên cứu và áp dụng thành tựu khoa học vào thực tiễn càng trở nên cấp thiết.
TS Thái Kim Phụng chỉ ra hai vấn đề có thể nhìn thấy là mặc dù công nghệ số bùng nổ nhưng tăng trưởng năng suất lại giảm, nhất là các nền kinh tế tiên tiến.
Thị trường lao động có sự thay đổi khi công nghệ dịch chuyển nhu cầu lao động từ kỹ năng trung bình sang kỹ năng cao, đòi hỏi kỹ năng phân tích, kỹ thuật và quản lý phức tạp.
Tuy nhiên, về phía cung (các trường đào tạo nguồn nhân lực), việc trang bị cho người lao động những kỹ năng bổ sung cho công nghệ mới còn chậm trễ, cản trở sự phổ biến rộng rãi hơn của sự đổi mới trong nền kinh tế. Giáo dục và đào tạo đã thua trong cuộc đua với công nghệ.
Ông Thái chỉ ra thực tế, tại các trường đại học công lập hiện nay, chu kỳ thay đổi chương trình khoảng 2 năm. Trong 2 năm đó, công nghệ và thị trường đã thay đổi rất nhanh, cấu trúc công việc thay đổi đòi hỏi việc đào tạo cần cập nhật, thích nghi kịp thời.
Điều này, theo ông Thái, trường học có thể khắc phục bằng cách có những học kỳ doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia thiết kế chương trình, đào tạo…
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải theo hướng phát triển kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, khoa học và kỹ thuật.
“Đừng để chỉ người giàu mới có cơ hội tiếp cận công nghệ”
TS Nguyễn Thanh Hải, Viện STEAM, Trường Đại học Quản lý Công nghệ, TPHCM, chỉ ra các xu hướng mới trong đào tạo STEAM. Trong đó, TS Hải nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ trong học tập, khoa học công nghệ gắn với xã hội, đồ họa hay các yếu tố liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ nhiều hơn.
Công nghệ hỗ trợ học sinh giải quyết các vấn đề phức tạp nhưng đi cùng những mặt tích cực, TS Nguyễn Thanh Hải cho hay cũng là thách thức về mặt đạo đức, liêm chính như tình trạng đạo văn, khai thác thông tin bất hợp pháp, vi phạm liêm chính về học thuật.
Về đào tạo, theo TS Nguyễn Thanh Hải, cần bắt nhịp theo xu hướng phát triển công dân toàn cầu là làm sao để người học phát triển góc nhìn mới thay vì chỉ dừng ở năng lực giải quyết vấn đề cụ thể. Chỉ như vậy mới mở rộng cơ hội cho học sinh, sinh viên có đủ năng lực tham gia thị trường lao động trên toàn cầu.
Ngoài ra, cần thật sự quan tâm các yếu tố giữa thời đại công nghệ là hòa nhập, bình đẳng. Giáo dục phải khuyến khích mọi học sinh, sinh viên cùng tham gia học tập hướng đến phát triển bền vững, tránh trường hợp “chỉ người giàu mới có cơ hội sử dụng công nghệ”.
Và điều quan trọng nhất, TS Hải đặt ra, phải làm sao để có người dạy là giáo viên, giảng viên đủ năng lực triển khai các hoạt động giáo dục STEM.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/2-nam-moi-thay-doi-chuong-trinh-truong-dai-hoc-thua-cong-nghe-20241201154839862.htm