Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku, Gia Lai) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.
Theo chúng tôi, khu vực di tích Chăm ở An Phú vẫn còn nhiều bí ẩn ở trong lòng đất chờ để nghiên cứu, khám phá.
Trong lần thứ 2 khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện được “Hố thiêng” với phần trung tâm nằm trong khung hình tròn được tạo dựng bằng các viên gạch xếp thành hình chữ Vạn và các hiện vật có giá trị. “Hố thiêng” hay “Kho thiêng” là trung tâm của đền tháp Chăm, là nơi đặt những vật thờ cúng khi bắt đầu xây dựng.
Bên trong “Hố thiêng” tìm thấy bộ hiện vật là đồ ký cúng, đặc biệt là mảnh vàng ở trung tâm của “Hố thiêng” hình chữ nhật có khắc ký tự cổ, nội dung nói về bài kệ “Duyên khởi” của Phật giáo; chiếc bình Kamandalu đặt trên đóa hoa 8 cánh bằng vàng và hàng chục hiện vật bằng thủy tinh, đá quý.
Kết quả khai quật đã cơ bản phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ tại khu vực xã An Phú. Theo đó, di tích An Phú được xác định gồm 1 đền thờ chính ở trung tâm quy mô kiến trúc rộng khoảng 7 m mỗi cạnh và vòng tường bao quanh quy mô khoảng 32-33 m tạo nên một tổng thể kiến trúc thống nhất.
Đây là một đền thờ Phật giáo có niên đại khoảng thế kỷ IX-X. Vậy khu vực di tích Chăm ở An Phú còn gì để nghiên cứu, khám phá nữa hay không? Theo chúng tôi, vẫn còn nhiều bí ẩn ở trong lòng đất.
Theo một báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ năm 1928, tại trang 605 cho biết: Khu vực Pleiku: các di tích kiến trúc nằm trong địa giới làng Plei Wao thuộc cánh đồng Kơdơ, cách Pleiku khoảng 10 km, cách đường đi Quy Nhơn 600 m. Chúng tôi đã nhận ra 3 trung tâm di tích, nằm chính xác trên một trục Đông Tây. Các di tích này cách nhau một khoảng tương đối bằng nhau, trên dưới 400 m.
Về phía Đông là Bomon Yan (số thứ tự 150 trong danh sách), có thể nhận ra từ xa bởi những trụ vòm và xà ngang liên kết với các lỗ cửa trên cổng vào tạo thành bộ khung của tháp.
Phần xà ngang này đảm bảo cho nó không bị rơi xuống nhờ các lỗ mộng cứng xuyên qua toàn bộ chiều dày của khối kiến trúc và chúng kết nối với các mộng quan trọng của phần đầu các trụ vòm. Phương thức xây dựng này khá đặc biệt của người Chăm để không cần phải ghi chép.
Ba tảng đá của bệ thờ vẫn nằm chổng ngược tại vị trí của tháp cổ, càng khiến khối kiến trúc này càng trở nên dễ nhận diện. Dường như ở đây chưa có cuộc khai quật nào được thực hiện. Ở nơi này, từng có một bức tượng một người ngồi trong tư thế khoan thai như một vị vua, được đánh số 5 trong bản kiểm kê vào năm 1925, hiện đang nằm trong kho của Công sứ Pháp tại Kon Tum.
Ở trung tâm là tháp Ron Yan ngăn cách với kiến trúc đầu tiên bởi một con suối, nó gần một nhà nguyện Công giáo. Tòa tháp tọa lạc trên một gò đất cao. Hệ thống tường rào bao quanh tòa tháp đến nay chỉ còn lại vết tích.
Đáng tiếc là hiện trạng của di tích này không còn đúng như những mô tả của nhà nghiên cứu M.H. Maspero. Tất cả gạch trên tường bao của tháp đã bị lấy đi. Các mảnh vỡ tượng thờ nằm vương vãi trên mặt đất. Chính nơi này người ta đã tìm thấy 2 bàn chân của một tượng thờ bằng đồng hiện để tại nhà kho của Công sứ Kon Tum.
Công trình thứ 3 nằm phía Tây mang ít giá trị hơn 2 công trình trước. Nó được xây dựng trên các gò đất nhỏ được người dân gọi là mộ phần.
Di tích này có thể có nguồn gốc từ sự phá hủy của các kiến trúc gần đó, hiện nằm trong bụi rậm xung quanh. Nó nằm về hướng chính Tây của 2 di tích trước và cách tháp Ron Yan khoảng 400 m.
Như vậy, ở khu vực làng Wao (khu vực di tích An Phú hiện nay) không chỉ có 1 mà là một quần thể gồm 3 công trình kiến trúc nằm trên trục Đông Tây cách nhau một khoảng tương đối bằng nhau chừng 400 m. Phế tích An Phú vừa khai quật khảo cổ học năm 2023 và năm 2024 là một công trình. Vậy 2 công trình còn lại nằm ở đâu?
Sách Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975 do Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân chủ biên (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2019) cho biết về di tích tháp Chăm ở khu vực An Phú: “… trên cao nguyên Pleiku còn có phế tích tháp Chăm ở Phú Thọ (nay thuộc xã An Phú, TP. Pleiku).
Theo linh mục Nguyễn Hoàng Sơn, nền của tháp này hiện nằm dưới nền nhà thờ Phú Thọ” (trang 342). Nếu thông tin trên là đúng thì chúng ta có thể xác định được phế tích Chăm thứ 2 nằm dưới nhà thờ Phú Thọ, xã An Phú hiện nay.
Còn phế tích Chăm thứ 3 nằm ở đâu vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ. Theo báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ năm 1928, ở khu vực làng Wao có 3 công trình kiến trúc nằm trên trục Đông Tây cách nhau một khoảng tương đối bằng nhau trên dưới 400 m.
Như vậy, 3 công trình kiến trúc này nằm trên một đường thẳng, khoảng cách giữa công trình đầu tiên với công trình cuối cách nhau khoảng 800 m. Chúng tôi đo trên Google Map, khoảng cách theo đường thẳng từ mép ngoài cùng của phế tích Chăm An Phú vừa được khai quật đến mép ngoài cùng của nhà thờ Phú Thọ khoảng 710 m. Khoảng cách này tương đối phù hợp với báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ là trên dưới 800 m.
Nếu các thông tin theo báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ năm 1928 và do linh mục Nguyễn Hoàng Sơn cung cấp là chính xác thì chúng ta có thể xác định được vị trí của phế tích Chăm thứ 3 nằm ở điểm giữa trên đường thẳng nối giữa phế tích Chăm An Phú với nhà thờ Phú Thọ hiện nay.
Với những tư liệu đã nêu trên thì việc tìm ra phế tích Chăm thứ 3 ở An Phú là hoàn toàn có thể. Hy vọng trong thời gian tới, các bí ẩn của phế tích tháp Chăm ở An Phú sẽ được giải mã.
Nguồn: https://danviet.vn/2-lan-khai-quat-phat-lo-nhieu-phe-tich-cham-tai-mot-xa-o-gia-lai-co-hien-vat-8-canh-bang-vang-20250120153707992.htm