Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại một NHTM lớn.

CQĐT đề nghị truy tố ông Nguyễn Hải Long (cựu Phó TGĐ một Ngân hàng thương mại lớn), Vũ Văn Khiêm (cựu Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Nam kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM) về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

CQĐT cũng đề nghị truy tố bị can Đào Hoàng Thắng (cựu Giám đốc một NHTM lớn Chi nhánh Đống Đa) về tội Nhận hối lộ; Lã Quang Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY) về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và Đưa hối lộ.

 Liên quan đến vụ án, còn có 12 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2005- 2016, ông Lã Quang Bình thành lập một số công ty. Trong đó, Công ty ECPAY của ông Bình đã ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu hộ tiền điện qua kênh thanh toán của Công ty ECPAY với Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TPHCM và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam TNHH.

62d15975dfc90.jpg
Ảnh minh họa.

Tháng 4/2016 – 12/2020, ông Bình dùng 8 công ty, lập hồ sơ vay tiền tại Chi nhánh Đống Đa của một NHTM lớn để thanh toán ứng trước tiền điện cho các công ty điện lực, đầu tư kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác.

Từ năm 2018- 2020, Công ty ECPAY được Ngân hàng này cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng/năm, các công ty khác của ông Bình được cấp hạn mức 100 tỷ đồng/năm. Từ khoảng tháng 11, 12/2020, hoạt động kinh doanh của các công ty bị đình trệ; ông Bình dùng tiền điện thu được để thanh toán các chi phí và đầu tư vào bất động sản, không trả được nợ cho ngân hàng, dẫn đến các khoản vay bị quá hạn…

Tháng 12/2020, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có văn bản gửi các Công ty điện lực trực thuộc, yêu cầu đóng cổng thanh toán với Công ty ECPAY.  Do đó, ông Bình bị mất nguồn thu, không đảm bảo nguồn tiền trả các khoản vay đến hạn tại NHTM, dẫn đến một số khoản nợ của các công ty bị đưa vào diện nợ xấu.

Lập khống hồ sơ

Theo CQĐT, trong lúc kinh doanh gặp khó, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới tìm mua công ty, thay đổi đăng ký kinh doanh, tìm người đứng tên đại diện pháp luật, lập khống hồ sơ để NHTM Chi nhánh Đống Đa cấp tín dụng, giải ngân trái quy định cho 64 công ty.

Đối chiếu tổng dư nợ và tổng giá trị tài sản thế chấp đã được định giá cho thấy, NHTM Chi nhánh Đống Đa thiệt hại hơn 948 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Bình còn bàn bạc, thống nhất, cùng người khác đưa hối lộ 200 nghìn cổ phiếu EIN (tương đương 2 tỷ đồng) cho ông Đào Hoàng Thắng để giải quyết cho Công ty Thịnh Phát không bị chuyển nợ xấu và tiếp tục được giải ngân vốn tại NHTM Chi nhánh Đống Đa trái quy định.

Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Hải Long đã cho ông Bình vay 30 tỷ đồng từ ngày 15/3- 19/8/2021 với lãi suất 0,5%/ngày (5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương mức lãi suất 182,5%/năm, gấp 9,125 lần so với mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự).

Việc cho vay giúp ông Long thu lợi bất chính hơn 16,3 tỷ đồng.

Tương tự, ông Vũ Văn Khiêm cũng cho ông Bình vay 22 tỷ đồng, lãi suất 0,5%/ngày, thu lợi bất chính hơn 21,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Thắng bị CQĐT cho rằng đã lợi dụng chức vụ giám đốc NHTM Chi nhánh Đống Đa nhận 200 nghìn cổ phiếu để chỉ đạo Phòng khách hàng doanh nghiệp cấp hạn mức tín dụng giải ngân cho Công ty của ông Bình trái quy định của pháp luật về hoạt động của ngân hàng.