UNICEF và WHO viện trợ 185.700 liều vắc xin 5 trong 1 dành cho trẻ em Việt Nam, giúp giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung loại vắc xin này tại Việt Nam.
|
|
Theo thông tin ngày 27-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã đón chuyến vắc xin 5 trong 1 cho trẻ em tới Hà Nội, trong đó gồm 185.700 liều.
Đây là số vắc xin DTP-VGB-Hib được hỗ trợ khẩn cấp cho Bộ Y tế nhằm khắc phục tình trạng giảm tỉ lệ tiêm chủng và thiếu vắc xin 5 trong 1.
Vắc xin 5 trong 1 sẽ giúp bảo vệ trẻ em phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Haemophilus Influenzae loại B (Hib).
Mặc dù nhiều loại vắc xin hiện đang được sản xuất trong nước, loại vắc xin DTP-VGB-Hib giúp bảo vệ cùng lúc năm loại bệnh trong một mũi tiêm thuận lợi và an toàn này phải được mua ở nước ngoài từ các nhà cung ứng được phê chuẩn.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, tiến sĩ Angela Pratt khẳng định số vắc xin 5 trong 1 này sẽ được sử dụng “để bảo vệ trẻ em tại những cộng đồng ở vùng sâu và khó tiếp cận nhất của Việt Nam”.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers bày tỏ niềm vui khi được hỗ trợ cho cải thiện tiêm chủng ở Việt Nam.
“Chúng ta cần khắc phục những trở ngại trong tiêm chủng, nếu không trẻ em ở khắp nơi vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh hoặc tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được”, bà nhấn mạnh.
Theo UNICEF, sự gián đoạn trong đại dịch COVID-19 dẫn đến việc khoảng 114.000 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm mũi vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà nào trong năm 2022. Đây là loại vắc xin được sử dụng làm chỉ số đánh giá tỉ lệ bao phủ tiêm chủng toàn cầu.
Ngoài ra, do tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 gần đây, ước tính khoảng 300.000 trẻ em Việt Nam được sinh ra vào đầu năm 2023 vẫn chưa được tiêm chủng loại vắc xin thiết yếu này.
Nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng có thể dẫn đến bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Đây là các nguy cơ đe dọa những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỉ lệ tử vong trẻ em trong vài thập niên qua.
Đẩy mạnh tìm nguồn cung vắc xin 5 trong 1
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước thiếu nhiều vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân là do từ năm 2023 khi chuyển đổi chương trình mục tiêu y tế dân số thành nhiệm vụ chi thường xuyên cho các địa phương, trong đó có bố trí ngân sách để mua vắc xin.
Các địa phương phải bố trí ngân sách đảm bảo để mua vắc xin. Tuy nhiên trên thực tế, việc chuyển ngân sách để địa phương mua vắc xin có vướng mắc về giá, đấu thầu… dẫn đến gián đoạn nguồn cung.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay qua rà soát các loại vắc xin sản xuất trong nước hiện vẫn còn đủ nhu cầu sử dụng. Riêng vắc xin 5 trong 1 là vắc xin nhập khẩu có một số địa phương thiếu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin sẽ có 265.000 liều vắc xin 5 trong 1 cho trẻ. Bộ Y tế đã làm việc với các đối tác để tìm nguồn cung vắc xin.
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc thông tin sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vắc xin 5 trong 1. Ngoài ra, còn có hơn 65.000 liều vắc xin 5 trong 1 từ nguồn tài trợ trong nước.
Ngày 10-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký nghị quyết 98 về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, xác định nhu cầu vắc xin theo từng chủng loại, cơ cấu vắc xin cần thiết, danh mục và lộ trình tiếp nhận từng loại vắc xin đảm bảo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế tổ chức mua vắc xin tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời và an toàn. |
(Theo TTO)
Ngày 31/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ký quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm tinh dầu hoa bưởi kém chất lượng trên toàn quốc.
Sau khi được các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật 2 lần cùng điều trị nội nhi tích cực trong 39 ngày, đến nay, trẻ đã bú mẹ tốt và lên cân.
Các nhà nghiên cứu Israel đã nghiên cứu thành công cách phá hủy tế bào ung thư máu đa u tủy xương sử dụng thuốc được phát triển bằng công nghệ RNA.
Bệnh viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố là căn bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán, gây sưng đau nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.