Người bị gan nhiễm mỡ có nguy cơ xơ cứng gan, ung thư gan cao gấp 150 lần bình thường.
Nhiều người trẻ bị gan nhiễm mỡ
Các bác sĩ cho biết qua kiểm tra sức khỏe phát hiện nhiều người trẻ tuổi đã bị gan nhiễm mỡ.
Anh N.V.T. (18 tuổi, Hà Nội) bị béo phì đi điều trị. Kết quả kiểm tra cho thấy gan nhiễm mỡ ở mức độ trầm trọng. Toàn bộ gan của bệnh nhân T. được phủ trắng các hạt mỡ.
Không chỉ người béo, anh Đ.M.H. (42 tuổi, Hà Nội) người gầy, mệt mỏi, chán ăn, hay đau bụng, đi khám cũng phát hiện gan nhiễm mỡ độ 3 – 4.
PGS Nguyễn Anh Tuấn – chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 – cho biết trên đây là những trường hợp điển hình của gan nhiễm mỡ không do rượu. Gan nhiễm mỡ không do rượu thường gặp ở các đối tượng béo phì, đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu hoặc mắc hội chứng chuyển hóa…
Bác sĩ Đào Thị Kim Ngân – chuyên gia siêu âm tại Hà Nội – cho biết gan nhiễm mỡ còn gọi là thoái hóa mỡ gan. Đó là tình trạng tích lũy chất béo trong gan >5% trọng lượng gan. Bệnh thấy trên siêu âm ngày càng nhiều.
Chục năm trước mỗi ngày siêu âm chỉ gặp 1 – 2 người do viêm gan, nam giới uống nhiều rượu bia >45 tuổi. Hiện nay mỗi ngày có từ 8 – 12 ca ở mọi lứa tuổi, có cả trẻ 7 – 8 tuổi cũng bị, đặc biệt đang gia tăng ở lứa tuổi trẻ 20 – 30.
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn (Bệnh viện ung bướu Hưng Việt) cho biết gan nhiễm mỡ đang trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động trong cuộc sống hiện đại. Thống kê cho thấy có khoảng 20 – 30% người dân Việt Nam mắc bệnh gan nhiễm mỡ và tỉ lệ này gia tăng đến 57,5 – 74% ở những người béo phì, đái tháo đường type II là 10 – 75%, tăng lipid máu là 20 – 92%.
Thống kê của Hội gan mật Việt Nam cho thấy khoảng 50 – 60% dân số Việt Nam trưởng thành bị bệnh gan nhiễm mỡ.
Mỡ lấn gan do thừa dinh dưỡng
Các chuyên gia cho biết mức sống của người dân ngày càng được cải thiện nên tỉ lệ mắc gan nhiễm mỡ cũng gia tăng. Bình thường trong gan chứa một ít mỡ nhưng nếu lượng mỡ nhiều hơn 5 – 10% trọng lượng của gan thì có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm.
Theo phân loại dựa trên sinh thiết gan, gan nhiễm mỡ được chia thành 3 mức độ: loại nhẹ (hàm lượng mỡ chiếm 5-10% trọng lượng gan), loại vừa (hàm lượng mỡ chiếm 10-25% trọng lượng gan), loại nặng (hàm lượng mỡ trên 30% trọng lượng gan).
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ là từ thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng thừa chất béo, hấp thu quá nhiều đường, uống nhiều rượu bia, thói quen ngồi nhiều, ít vận động, căng thẳng, thậm chí có thể do di truyền nếu trong gia đình có người bị béo phì… Ngoài ra, làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm có chất arsenic, phosphor hay chì cũng khiến gan bị nhiễm độc.
ThS Tuấn phân tích, gan đóng vai trò là trung tâm chuyển hóa của cơ thể, gan là nơi chuyển hóa và dự trữ chất béo. Các chất béo hấp thụ qua ruột sẽ “tập trung” tại gan để được tổng hợp thành tryglycerid, photpholipid, cholesterol este và lipoprotein đưa đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Do vậy, ăn uống vượt quá nhu cầu của cơ thể, “phần thừa” sẽ được chuyển hóa thành mỡ để dự trữ năng lượng.
Khi lượng mỡ trong cơ thể quá “dồi dào” hoặc rối loạn chuyển hóa tại gan sẽ “tập trung” chủ yếu dưới da gây nên béo phì, “lang thang” trong máu gây chứng mỡ máu cao và lắng đọng tại gan gây nên bệnh gan nhiễm mỡ. Vì thế, những người béo bụng, béo phì có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao gấp 4-5 lần so với những người bình thường.
Những dấu hiệu cần lưu ý
Giai đoạn đầu, bệnh gan nhiễm mỡ thường không có biểu hiện rõ ràng nên mọi người dễ bỏ qua. Những biểu hiện thường gặp như mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu… khiến nhiều người chỉ nghĩ là ốm thông thường.
Đến khi tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, làm cho gan “béo nhanh”, bề mặt gan căng ra người bệnh có cảm giác đau tức hoặc nặng ở vùng hạ sườn phải. Kéo theo đó là men gan tăng cao, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn như vàng da, mụn nhọt, ngứa, dị ứng, mề đay…
Sự thâm nhiễm mỡ ở gan kéo dài làm giảm quá trình “tiêu hủy” acid béo ở gan, tế bào gan bị “biến dạng” và chức năng gan bị suy giảm. Người bị gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ như xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Có rất nhiều nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ nhưng thường gặp là do rượu bia, thừa cân, béo phì. Do một số bệnh lý: các trường hợp mắc bệnh mỡ máu, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… sẽ có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ; hoặc do kháng insulin, giảm cân nhanh, do di truyền. Tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc dùng thuốc sai cách.
Cách để giúp gan khỏe mạnh
– Duy trì cân nặng khỏe mạnh: yêu cầu sự giám sát calo và năng lượng nạp vào.
– Tập luyện thể dục thường xuyên: giúp cải thiện độ nhạy cảm insulin, hỗ trợ chuyển hóa, giúp kiểm soát cân nặng và huyết áp. Tập thể dục cũng cải thiện giấc ngủ.
– Hạn chế sử dụng thuốc: uống đúng liều quy định và đồng thời chỉ uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
– Kiểm soát huyết áp: tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ và cả gan nhiễm mỡ.
– Giảm kháng insulin: kháng insulin gây ra đái tháo đường.
Thực phẩm như “thuốc” góp 50% vào khả năng điều trị
Các chuyên gia cho biết chế độ dinh dưỡng hợp lý, đúng cách là phương pháp đóng góp 50% giá trị điều trị.
Người bệnh gan nhiễm mỡ cần hạn chế mỡ động vật trong thức ăn để giảm mỡ trong máu và giảm mỡ vận chuyển qua gan giúp gan giảm gánh nặng. Thay mỡ động vật bằng dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu olive và cá.
Giảm ăn các loại thực phẩm giàu cholesterol: phủ tạng động vật, da động vật, lòng đỏ trứng… Tránh thức ăn, thức uống quá cay nóng như gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, rượu, cà phê, trà đặc… Ngưng ngay việc uống rượu khi cảm thấy có dấu hiệu bệnh gan nhiễm mỡ.
Bác sĩ Tống Thị Bích Thủy, Hội Đông y Hà Nội, cho biết trong y học cổ truyền, gan nhiễm mỡ thuộc phạm vi chứng “tích tụ”. Thực đơn lý tưởng cho gan lúc này là: bắp, rau cần, nấm hương… có tác dụng hạ cholesterol trong máu và tế bào gan. Ăn các thực phẩm có chứa chất đạm cần phải vừa đúng với khả năng của gan mình.
Một số loại thực phẩm được xem là “thuốc” có khả năng “giảm mỡ” như: đậu Hà Lan, cà chua tươi chín, rau cần tây, diếp cá, tỏi, dầu đậu nành, ớt vàng, rau ngót, bắp chuối (bông chuối). Các loại trái cây cần sử dụng là bưởi, táo chín, cam, quýt, chanh… Tăng cường lượng rau, trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày, đặc biệt nên bổ sung rau cải xanh, cải cúc, rau muống… có công dụng giải nhiệt, làm mát gan.
Nguồn: https://tuoitre.vn/18-tuoi-mo-da-phu-trang-gan-nguy-co-xo-gan-ung-thu-cao-20240924224418032.htm