Thông tin đề cập trong công văn thống nhất quy mô và tiến độ thực hiện dự án Vành đai 4 TP HCM do tỉnh Đồng Nai vừa gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong tổng mức đầu tư, hơn 7.800 tỷ đồng là tiền giải phóng mặt bằng, còn lại là chi phí xây dựng. Dự án sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai trình HĐND thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023.
Dự kiến, các thủ tục chuẩn bị dự án sẽ hoàn thành cuối năm nay. Việc thẩm định, duyệt cáo cáo nghiên cứu khả thi sẽ thực hiện trong quý 3/2024. Công tác bồi thường, tái định cư và xây một số công trình phụ trợ xong vào quý 2/2025. Hạng mục chính sẽ thi công trong hai năm tiếp theo và đưa dự án vào khai thác quý 1/2028.
Hiện, 48 km đường Vành đai 4 TP HCM qua tỉnh Bình Dương (đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn giai đoạn 1) đã được thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức PPP với kinh phí 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phạm vi dự án không bao gồm cầu Thủ Biên nên Đồng Nai đang đề nghị Bình Dương bổ sung hạng mục này để đảm bảo kết nối đồng bộ.
Trước đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An xem xét thống nhất chung quy mô, tiến độ đầu tư giai đoạn 1 dự án đường Vành đai 4 TP HCM để triển khai đồng bộ phương án và tiến độ đầu tư tuyến đường này.
Vành đai 4 TP HCM dài gần 198 km, đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Điểm đầu dự án giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm cuối kết nối tại cảng Hiệp Phước, TP HCM.
Dự án mang vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay. Đặc biệt, tuyến đường kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Phước Tuấn