Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn trong phát biểu tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành GD&ĐT Hà Nội năm 2023 nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, được tổ chức sáng 15/11.
Chia sẻ niềm vui, sự cảm động khi đến dự lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới các nhà giáo lời thăm hỏi, lời chào và lời chúc mừng.
Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng đặc biệt đến 68 tập thể, 60 cá nhân nhà giáo được tuyên dương.
Bày tỏ lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, Bộ trưởng chia sẻ: Sự nghiệp giáo dục vốn đầy thách thức, nhiệm vụ đầy vinh quang và lớn lao nhưng cũng đầy khó khăn, cho nên mỗi thầy cô làm tốt phần việc của mình tức là đã góp một phần làm cho sự nghiệp giáo dục tốt hơn.
“Những người tiên tiến hôm nay là những người có đóng góp nhiều hơn những người khác cho sự nghiệp chung. Tôi thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT bày tỏ sự cảm ơn, sự ghi nhận, sự ghi nhớ đối với những công lao, những đóng góp của các thầy, các cô”, Bộ trưởng nói.
Nhìn nhận thách thức và cơ hội của giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng cho rằng: Đối với giáo dục những vùng khó, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Bắc, Tây Nguyên thách thức là vượt qua cái khó, còn thách thức của giáo dục Hà Nội ở chỗ là hướng đến chất lượng và sự phát triển.
Không thể nói rằng sự vươn lên, phát triển và đạt được chất lượng cao là dễ dàng hơn so với vượt khó. Vượt khó có cái nghiệt ngã, sự phát triển vươn lên tầm cao cũng đầy nghiệt ngã.
Giáo dục Hà Nội với quy mô rất lớn, gần 2,3 triệu học sinh, 123.000 giáo viên, số lượng cơ sở giáo dục lớn hàng đầu đất nước. Đây là nơi giáo dục được kỳ vọng phải chất lượng tốt nhất, mẫu mực cho cả nước, thể hiện tinh thần mới của giáo dục.
Đây là nơi phụ huynh có trình độ cao, đòi hỏi khắc nghiệt. Đây là nơi cả nước và xã hội nhìn vào. Cho nên giáo dục Hà Nội đầy thách thức.
Nhưng giáo dục Hà Nội cũng đầy cơ hội, đó là sự quan tâm, là trung tâm kinh tế – xã hội của cả nước, là hệ thống trường đại học, hệ thống các chuyên gia, hợp tác quốc tế…
Vấn đề là chúng ta tận dụng được điều kiện của sự thuận lợi, phát huy được truyền thống và có một cách đi phù hợp thì chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
Thực tế trong thời gian qua, thành phố đã có những bước đi, không ngừng vươn lên để đạt được thành quả tốt đẹp.
“Một lần nữa tôi ghi nhận, biểu dương những kết quả của ngành giáo dục Hà Nội, của cá nhân các thầy, các cô đã đóng góp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, những người được xem, được coi, được tôn vinh những người tiên tiến, tiêu biểu, xuất sắc, trong truyền thống của giáo dục đã là rất quý, trong thời kỳ đang đổi mới, công việc của ngành đầy khó khăn, những người làm được xuất sắc càng đáng quý và càng được xem là những người làm được việc khó.
Hiện nay khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, người thầy đang là tâm điểm để thúc đẩy sự đổi mới.
Sự đổi mới của người thầy đạt được được đến đâu, đó chính là giới hạn của sự đổi mới. Người thầy không vượt lên được chính mình, không kỳ vọng được sự đổi mới trong dạy và học và các kết quả khác.
Người thầy từ mô hình trang bị kiến thức, đánh giá kiểm tra kiến thức đang dần chuyển sang mô hình nhà giáo mới. Đó là những người vẫn cần một kiến thức nền tảng chắc chắn và uyên bác nhưng biết cách tổ chức, dẫn dắt, định hướng cho học trò thích nghi và tự tích lũy kiến thức. Cho nên phương pháp cần đổi mới, tâm thế của nhà giáo cần đổi mới.
“Phẩm chất và năng lực của học trò muốn có được trước hết là cần sự đổi mới và nâng cao cả phẩm chất và năng lực của người thầy.
Chúng ta đòi hỏi giáo dục phải tạo ra năng lực và phẩm chất mới cho học trò nhưng sẽ không thể có được nếu năng lực, phẩm chất của nhà giáo không đổi mới.
Cho nên sự tôn vinh hôm nay chắc chắn sẽ dành cho những người đã và đang thành công trong sự đổi mới bản thân, đổi mới phương pháp dạy và học”, Bộ trưởng khẳng định.
Nhấn mạnh từ khóa “lan tỏa”, Bộ trưởng cho rằng: Những người tiên tiến chỉ thực sự là người tiên tiến khi không chỉ làm tốt cho mình mà điều quan trọng là cần làm lan toả.
Vì hiện nay trong quá trình đổi mới những người đi sâu vào công việc, năng lực tốt sẽ thành công trước, những người ấy cần phải hỗ trợ cho người khác, hỗ trợ cho đồng nghiệp, hỗ trợ cho ngôi trường của mình và cả ngôi trường khác.
Cần lan toả điều mình đã trải nghiệm, điều mình đã tâm đắc, điều mình đã đổi mới được, cần lan tỏa cả cái mới, cái tích cực, cái ấm áp của một nền giáo dục đang hình thành những giá trị mới.
Đề cập tới việc cần phải củng cố hình ảnh của nhà giáo, Bộ trưởng bày tỏ: Chúng ta “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước hết chúng ta không nên than, không nên thẹn, không nên oán, mà chúng ta có trí tuệ, có tình yêu nghề, có lực lượng, chúng ta phải từng bước, từng bước tự mình làm cho hình ảnh của mình ngày càng cao quý, càng được tôn vinh.
Không có tự nhiên mà xã hội lại thay đổi để tôn kính chúng ta hơn, nghề nghiệp của chúng ta không tự tôn cao hơn nếu chúng ta không tự tôn cao chính mình.
Chúng ta cần phải làm một việc rất lớn là làm cho xã hội hiểu hơn, những người tiên tiến ngồi đây cần làm thêm một việc của từ khóa lan tỏa là lan tỏa những gì chúng ta đã làm được, những gì đã làm được, những gì tốt đẹp của nhà giáo.
Chúng ta có 1,6 triệu nhà giáo, 1,6 ấy phải lên tiếng, nói về những điều mà ngành giáo dục đang làm, chứ không phải để mạng xã hội dẫn dắt và chúng ta than, buồn rằng “xã hội không hiểu chúng ta”.
“1,6 triệu người cần phải lan toả, chia sẻ và phải là dòng chính trong trong sự nhận thức của xã hội về giáo dục. Mong rằng những nhà giáo của Thủ đô không chỉ là những người chuẩn mực mà cần phấn đấu thành những người mẫu mực, là khuôn mẫu cho nhà giáo nói chung và cho cả đất nước”, Bộ trưởng gửi gắm.
Từ góc độ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng cho biết: Chúng tôi đã, đang và sẽ không ngừng có những kiến nghị chính sách, bền bỉ thuyết phục để Đảng, Chính phủ, Nhà nước thấu hiểu hơn và trên thực tế cũng đang dần dần có thêm những chính sách để đời sống nhà giáo được tốt hơn.
Nhắc lại 3 chữ “an”: Học trò đến trường được an toàn, thầy cô làm việc ở trường được an lòng, phụ huynh mang con đến trường được an tâm, Bộ trưởng mong rằng, mỗi nhà giáo sẽ góp sức để 3 chữ “an” đó lan toả cho xã hội, cho công việc của nhà giáo ngày càng tốt hơn.
Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam đang đến gần, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới các thầy, cô lời chúc sức khỏe.
Chúc các thầy, các cô ngày càng tìm thêm những niềm vui trong nghề nghiệp, ngày càng yêu nghề, yêu đời và ngày càng được đời yêu nhiều hơn.