Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của đại biểu đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ (khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Ả rập, châu Mỹ – Latinh) và các chuyên gia hàng đầu của nhiều tổ chức quốc tế. Đây là cơ hội tốt để cập nhật tình hình bảo hộ và thực thi về bản quyền, đặc biệt trên môi trường số tại mỗi quốc gia, khu vực. Đồng thời chia sẻ các xu hướng về xây dựng chính sách, giải pháp về công nghệ để ứng phó với xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số; kinh nghiệm, triển khai hợp tác trong quản lý, thực thi bản quyền trên môi trường số trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong nêu rõ: Sáng tạo trên môi trường số đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Sáng tạo nội dung số từng bước khẳng định vai trò, vị thế, được đánh giá là mảnh đất mới đầy tiềm năng cho doanh nghiệp, nhà sản xuất nội dung, tổ chức, cá nhân và nhãn hàng trên thế giới. Tuy nhiên, “sân chơi” này cũng đặt ra “bài toán” về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số trên toàn cầu chứ không riêng ở thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia và tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kịp thời.
Hiện nay, các hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới như Hiệp ước về quyền tác giả, Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm, Hiệp ước Bắc Kinh về bảo hộ cuộc biểu diễn nghe nhìn… đã hành hình hệ thống các công cụ pháp lý quan trọng để giải quyết những vấn đề về bản quyền trên môi trường số.
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm trong năm 2022. Việc này nhằm đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ các tác phẩm, quyền tác giả một cách minh bạch, hiệu quả, đặc biệt là trên môi trường số.
Cùng đó, Việt Nam triển khai nghiên cứu về việc gia nhập Hiệp ước Bắc Kinh về bảo hộ cuộc biểu diễn nghe nhìn và tích cực tham gia các phiên thảo luận của Ủy ban thường trực về bản quyền của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (SCCR) để đóng góp vào các Dự thảo văn kiện pháp lý quốc tế về bản quyền trong khuôn khổ các chương trình nghị sự của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đây cũng là những hành động cụ thể, góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về bản quyền tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Năm 2022, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo hộ bản quyền, phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, Việt Nam phải từng bước nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền, nhất là trên môi trường số.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một yếu tố để xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của mỗi quốc gia. Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tăng cường năng lực quản lý và thực thi bảo hộ bản quyền, phát triển công nghiệp văn hóa đã được xác định tại Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030…
Hội nghị diễn ra từ ngày 17-21/6, gồm 34 chủ đề và 50 bài tham luận đến từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, tập trung vào nhiều nội dung cụ thể. Đó là giới thiệu về hệ thống thực thi quyền tác giả của các quốc gia; giá trị của bản quyền, đóng góp của các ngành công nghiệp sáng tạo cho nền kinh tế. Cùng với đó là phổ biến các phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến phổ biến, mối đe dọa liên quan đến việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền; sự phát triển quốc tế trong thực thi và quản lý trực tuyến; thẩm quyền và luật áp dụng trong tranh chấp bản quyền trực tuyến; phương thức giải quyết vi phạm bản quyền trực tuyến; thu thập, bảo quản bằng chứng, cách tiếp cận cân bằng để thực thi bản quyền và sử dụng công nghệ để ngăn chặn vi phạm bản quyền…
Trong khuôn khổ Hội nghị còn có một số hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam./.
Nguồn: https://toquoc.vn/15-quoc-gia-chia-se-kinh-nghiem-ve-thuc-thi-ban-quyen-tren-moi-truong-so-20240617134117926.htm