Kinh doanh trong ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới, CEO của thương hiệu BOO – Đỗ Việt Anh – luôn đặt sứ mệnh bảo vệ môi trường song hành với các mục tiêu khác. Không chỉ thay đổi tích cực tư duy bảo vệ môi trường trong nội bộ thương hiệu, anh còn là “hạt mầm” lan tỏa tinh thần sống xanh, bảo vệ môi trường trong giới trẻ trong suốt gần 20 năm qua.
-Anh từng chia sẻ, ngay từ khi xây dựng thương hiệu BOO , đã hướng tới kinh doanh xanh. Vì sao anh và các cộng sự lại có lựa chọn như vậy?
Công ty được sáng lập bởi tôi và người em sinh đôi. Chúng tôi may mắn được học tập và được tiếp xúc với môi trường sống ở cộng hoà Séc từ những năm 90. Nền giáo dục bên ấy đã ảnh hưởng khá nhiều đến suy nghĩ của chúng tôi. Tư duy bảo vệ môi trường của họ đã đi trước rất lâu, trong khi thời gian ấy, ở nước mình những vấn đề môi trường rất ít được chú trọng.
Chúng tôi rất yêu Việt Nam, suốt những năm tháng ở nước ngoài, anh em luôn hướng về quê hương. Khi quay về Việt Nam, chúng tôi liền có cảm giác đây là nơi mình thuộc về và không bao giờ muốn rời xa nữa. Bởi thế, khi bắt đầu kinh doanh, chúng tôi luôn suy nghĩ tới việc phải tạo ra giá trị cho đất nước, từ những việc nhỏ bé.
Ở BOO, chúng tôi thành lập riêng một phòng ban chuyên phụ trách các dự án liên quan đến môi trường. Với tôi, kinh doanh luôn phải song hành với phát triển bền vững, đem lại giá trị tích cực cho xã hội. Chúng tôi đã luôn kiên trì với mục tiêu đó. Đến nay nó vẫn là giá trị cốt lõi của công ty.
-Khi ấy, anh đã nhìn thấy tiềm năng gì từ hướng kinh doanh xanh đó?
Khi tôi và em trai về nước, cùng đam mê bộ môn trượt ván nên 2 anh em tôi quyết định mở cửa hàng bán đồ theo nhu cầu và phong cách sống của bản thân. Chúng tôi đã phát triển rất nhanh.
Từ lựa chọn sản phẩm đến địa điểm…, chúng tôi nhìn thấy tập khách hàng rất lớn và mong muốn có thể tạo nên một cộng đồng có sức ảnh hưởng không chỉ ảnh hưởng bằng cách ăn mặc, vẻ bề ngoài mà còn bằng lối sống, lối suy nghĩ…
– Thời trang là ngành gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới, anh làm thế nào để tìm được nguồn nguyên liệu xanh trong khi kinh doanh xanh trước đó chưa trở nên phổ biến?
Mục tiêu “xanh” luôn nằm trong bản kế hoạch của BOO và một khi mình mong muốn thì sẽ làm được. Có thể là mình phải hy sinh cái này để được cái kia. Đối với BOO, việc hy sinh lợi nhuận để có thể xanh hơn là điều đương nhiên. BOO mong muốn các doanh nghiệp cùng hợp tác, cùng xanh hơn để biết đâu vài năm nữa, thời trang không còn là ngành gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới nữa.
Định hướng của BOO là từ giờ đến 2025 sẽ đảm bảo được 90% nguyên liệu được sử dụng các loại công nghệ để sạch hơn. Bước đầu tiên là nguyên liệu. Chúng tôi sử dụng nhiều sợi bông, lựa chọn các nơi trồng bông ở những quy trình thân thiện hơn, có sự đảm bảo tốt hơn về quyền lợi con người dù có đắt hơn. Năm 2023, BOO sẽ tiếp tục dùng thêm các nguyên liệu thay thế như sợi bạc hà, cafe, nhựa tái chế…
Tiếp theo, chúng tôi đang tìm thêm những cách nhuộm sao cho bớt gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước và xử lý tốt các chất hoá học, xây dựng quy trình xử lý vải vụn hiệu quả….
Quy trình vận chuyển đến các cửa hàng cũng cần tối ưu hoá để giảm thiểu khí thải CO2, sử dụng những bao bì nilon dễ phân huỷ hơn…
– So với thời điểm các anh bắt đầu, hiện nay ý thức bảo vệ môi trường trong kinh doanh đã chuyển biến như thế nào?
Ý thức bảo vệ môi trường của mọi người đã thay đổi quá nhiều. Vào những năm 2003, việc bảo vệ môi trường chủ yếu là những dự án phi lợi nhuận (NGO) hầu như là của quốc tế, phía doanh nghiệp khi ấy hầu như không có ai. Những điều chúng tôi nói về môi trường rất ít người muốn nghe.
Hiện tại nhận thức về bảo vệ môi trường đã thay đổi quá nhiều. Những bạn GenZ đã được lớn lên với sự dạy dỗ về ý thức bảo vệ môi trường. Thậm chí đó không chỉ là nhận thức mà còn là kiến thức, đi vào chiều sâu, các bạn không chỉ hiểu vấn đề mà còn ý thức được rằng mình nên đóng góp gì đó dù nhỏ nhất và trở thành những “hạt mầm” lan tỏa thông điệp đến mọi người.
Tại điểm bán BOO cũng bố trí những góc xanh – nơi kể cho khách hàng những thứ mình đang làm, những ý nghĩa, thông điệp hoặc những event để mọi người tham gia, có thể tương tác và cùng sống xanh.
– Trong 15 năm kiên trì với triết lý kinh doanh xanh như vậy, anh thấy điều gì khó khăn nhất?
Kinh doanh xanh hơn là một hành trình rất thú vị, với khá nhiều những thử thách. Bởi lẽ, chúng tôi đã xác định mình sẽ làm từ những thứ nhỏ nhất nhưng ý nghĩa. Mỗi một năm chúng tôi lại làm những dự án lớn hơn và sự ảnh hưởng cũng ngày càng lớn.
Khó khăn thì có thể là thời điểm Covid 19, đó là 2 năm mà BOO phải lùi lại rất nhiều kế hoạch. Năm nay là năm để BOO phục hồi sau Covid, trả nợ xong xuôi sẽ làm những dự án tốt hơn nữa. Bây giờ sẽ là chu kỳ mới, đâm chồi nảy lộc lại sau 2 năm khó khăn.
– Trải qua 2 năm Covid anh đã rút ra được bài học gì cho bản thân khi ứng biến trước những khủng hoảng?
Covid như một người thầy trong kinh doanh mà chúng tôi phải nhớ và biết ơn đến cuối đời. Tôi là người thiên về sáng tạo sản phẩm nên quản trị vốn không phải là thế mạnh nhưng trong 2 năm Covid, tôi đã bắt buộc phải trau dồi thêm kỹ năng. Boo từ một mô hình khá cồng kềnh trở nên “thon gọn” và linh hoạt hơn để có thể sống sót vượt qua đại dịch. Những gì không giết chết sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn là vậy.
BOO của ngày hôm nay đã thay đổi rất nhiều so với trước thời Covid, chúng tôi thích ứng và thích nghi hơn với mọi sự biến đổi của thị trường. Chúng tôi đã dám soi gương để nhìn ra được điểm yếu của mình và sẵn sàng thay đổi.
– Anh từng khẳng định sự tăng trưởng hàng năm của BOO chưa bao giờ dưới 30%, hiện tại con số đó còn duy trì không?
Sau 2 năm Covid, hiện tại, BOO đang quay trở lại rất mạnh mẽ. Các chính sách phục hồi đã được chính phủ làm rất tốt và chúng tôi đã bắt được cơ hội phục hồi ngay sau covid
Trong những năm covid, BOO đã từng đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động kinh doanh, phải đóng cửa 10-15 cửa hàng. Nhưng chúng tôi đã chuyển mình rất nhanh và hiện tại đang ở vị thế khá tự tin có sự tăng trưởng từ 15-20% so với thời kì trước Covid, đội ngũ và số cửa hàng tinh gọn hơn nhưng chất lượng hơn. Đó là những dấu hiệu tích cực giúp BOO tự tin hơn với mục tiêu lấy lại tập khách hàng gen Z. Nếu năm nay BOO đạt được những mục tiêu đã đề ra thì sẽ năm thành công nhất trong lịch sử.
– Những yếu tố nào giúp công ty có thể phục hồi và bứt phá như thế?
Chúng tôi phải đủ nhanh và quay lại đúng tinh thần khởi nghiệp, phải sáng suốt để nhận ra đâu là rủi ro và cơ hội. Những giá trị trước đó có thể đã thay đổi rồi và mình phải đón nhận những giá trị mới hơn và biến nó thành hành động. Tôi nghĩ là mình đã có đội ngũ rất tốt, các bạn ấy làm những phần thực thi chưa bao giờ tốt đến như vậy. Điều đó đã giúp BOO sống sót trong Covid và giờ đang tăng trưởng tốt.
Sự thay đổi rõ rệt nhất liên quan đến các kênh phân phối. Chúng tôi là thương hiệu lâu đời và truyền thống. Offline luôn là niềm tự hào của BOO nhưng điều quan trọng là mình phải biết gạt niềm tự hào ấy qua một bên đúng lúc để đón nhận cái mới – khách hàng online. Tuy nhiên mình cũng phải biết làm thế nào để cân đối phát triển song song 2 yếu tố đó.
Yếu tố thứ 2, BOO quyết định rất chín chắn là phải tập trung phát triển sản phẩm mới trở thành cốt lõi đưa công ty thoát khỏi thời kỳ khó khăn. Hiện tại những thương hiệu “đàn em” như BOOLAAB và BOOZILLA đang là 2 thương hiệu mũi nhọn, “gánh team” cho toàn công ty. Được đầu tư đúng trong thời kỳ hạn hẹp tất cả các nguồn lực từ nhân lực đến tài chính, hiện tại chúng tôi đang gặt hái những kết quả đầu tiên.
Yếu tố thứ ba là quản lý tài chính. Trước đây BOO quan trọng về tăng trưởng nhưng giờ với chúng tôi lợi nhuận quan trọng hơn, là yếu tố chúng đặt lên đầu.
– Thời trang nhanh-rẻ đang phát triển rất mạnh mẽ, vậy anh đã có cách nào để cạnh tranh với xu hướng đó?
Dù hiện tại thời trang nhanh vẫn chiếm lĩnh thị trường nhưng tôi tin là sự bền vững luôn là điều được đón nhận. Tư duy của Gen Z hiện tại đã khác, họ đề cao những giá trị khác so với các thế hệ trước, trong đó có các yếu tố về môi trường.
BOO vẫn đi theo định hướng của mình, luôn luôn mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Nhưng sẽ đầu tư ngày càng sâu hơn về chất lượng sản phẩm để vòng đời sản phẩm dài hơn, không chỉ thông qua nguyên liệu mà còn thông qua cách thiết kế sản phẩm. Đó là xu hướng của ngành, chúng tôi đang đi theo xu hướng và tin vào những điều đó.
-Tôi khá tò mò, một doanh nghiệp hướng tới kinh doanh xanh thì có môi trường làm việc như thế nào thưa anh ?
Với doanh nghiệp thì yếu tố con người mang tính sống còn. Nghĩa là chúng tôi tiếp cận “xanh” từ sâu bên trong, từ những “con người xanh”.
Ở BOO, những chính sách “sống xanh” có đủ sự thoải mái cho mọi người và khiến cho họ cảm thấy áy náy khi sử dụng một cái gì đó liên quan đến bao bì sử dụng một lần. Chúng tôi cũng áp dụng KPI cho các phòng ban, xem các mỗi người có thể ứng dụng được cái gì xanh vào trong công việc của mình. Đó chính là cách chúng tôi đưa văn hoá xanh vào từng con người.
Ví dụ như ngày thứ 6 cùng mặc đồ trắng, là màu đơn giản nhất, ít sử dụng chất tẩy chất nhuộm nhất, để luôn nhắc nhở chúng tôi đang ở ngành ô nhiễm thứ 2 trên thế giới và phải cố gắng giảm thiểu sự tác động của mình.
Chính sách nói không với túi nilon: nhân viên của BOO mua những sản phẩm có bao bì nilon sẽ bị phạt 10k hoặc 1 cốc trà sữa (cười).
Quan điểm của tôi là sống xanh không phải một sự ép buộc. Nó nên là sự tôn trọng sự khác biệt của mọi người về nhận thức.
-Giá của 1 sản phẩm BOO không rẻ đối với nhiều khách hàng. Liệu điều này có khiến ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của BOO không?
Chúng tôi chưa từng làm khảo sát về vấn đề ấy ở quy mô lớn nhưng tôi nghĩ quan trọng là tin vào định hướng của mình.
Đằng sau những sản phẩm “đắt” của BOO luôn có lý do của nó. Đó không phải do chúng tôi tham lợi nhuận. Ai cũng mong muốn có được lợi nhuận tối ưu nhưng cần có sự cân đối để mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất trong khả năng của mình và giá trị xanh – giá trị cốt lõi mà chúng tôi theo đuổi.
Sự kiên định đã giúp doanh nghiệp của chúng tôi phát triển bền vững suốt gần 20 năm qua. BOO kiên định với những giá trị đứng đằng sau sản phẩm, chấp nhận mình sẽ mất một số khách hàng chưa phù hợp.
Nếu đã có kế hoạch và tính toán ngay từ đầu thì tài chính không còn là vấn đề. Ví dụ những công ty khác có thể đặt mục tiêu lợi nhuận 15%, BOO chỉ đặt 13%. Việc xanh hóa không thể biến từ lãi thành lỗ được. Đó chỉ là việc thêm chi phái hoặc chấp nhận cắt đi một số chi phí khác hoặc sẵn sàng tăng giá lên một chút để làm những sản phẩm chính chu hơn, chất lượng hơn và xanh hơn.
Một thương hiệu muốn đi trên đường dài thì DNA – thương hiệu vô cùng quan trọng. Đó là thế mạnh cạnh tranh vô hình đối với các thương hiệu khác và sự biến đổi của thị trường. Nghĩa là mình phục vụ khách hàng theo cách riêng, theo những giá trị mà bản thân theo đuổi, họ sẽ chạm tới những khách hàng phù hợp, cùng chung “giá trị”.
– Anh có kế hoạch gì để song song phát triển các yếu tố về trách nhiệm xã hội song song với lợi nhuận và tăng trưởng?
BOOVironment luôn là giá trị bền vững, là di sản của BOO. Trong 3 năm tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện nó, đảm bảo xanh hoá tới 90%. Đó là một trong những thử thách cực kỳ lớn và khó. Nó sẽ giới hạn BOO rất nhiều trong sáng tạo sản phẩm. Nhưng nếu thực sự muốn thì chắc chắn sẽ có cách và chúng tôi sẵn sàng dấn thân vào thử thách đó. Đó là cái sẽ thay thế cho bất kì lời nói hay ho nào.
Một trong những sứ mệnh quan trọng bên cạnh bảo vệ môi trường là, BOO tự hào là một thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi mong mỏi làm ra những sản phẩm chất lượng, mang dấu ấn Việt Nam và góp phần thay đổi tư duy của người tiêu dùng về hàng Việt Nam. Đó là điều tôi tâm huyết và đã làm được. Hiện nay, điều đó đã hiển nhiên trở thành một xu hướng. Những chúng tôi tự hào vì là những người tiên phong xu hướng đó trong ngành thời trang.
– Còn kế hoạch chuẩn bị vươn ra quốc tế thì sao, thưa anh?
Sang năm, BOO sẽ đẩy mạnh hơn nữa phần online, và luôn hết hợp với offline. Nếu đủ điều kiện, năm tới chúng tôi sẽ thử nghiệm một số cửa hàng offline ở nước ngoài, trước tiên là khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước khi đi ra nước ngoài thì BOO phải trở thành một thương hiệu quốc gia trước đã, chúng tôi sẽ tiến từng bước một, miễn là không hão huyền.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo Nhịp sống thị trường