Sáng sớm, khu vực đăng ký khám và quầy nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hoàng Tuấn (80A Lê Hồng Phong – 27/6 Trần Hưng Đạo, P.3, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) đã có rất đông bà con ngồi chờ làm thủ tục. Những nhân viên tiếp nhận bệnh, phát thuốc không lúc nào ngưng tay để người dân không phải chờ lâu.
Đưa y tế chất lượng cao về vùng sâu, vùng xa
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Hoàng Tuấn, “cha đẻ” của BVĐK Hoàng Tuấn, chia sẻ: Ngoài 60 giường nội trú, hiện mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 1.600 – 1.800 lượt khám bệnh ngoại trú. Đó là con số thực sự “khủng” với bất cứ bệnh viện nào, nhất là đối với một cơ sở y tế tư nhân. Nhưng điều này hoàn toàn có thể lý giải khi nhìn lại hành trình 15 năm của Công ty TNHH Bệnh viện Hoàng Tuấn.
Ông Tuấn bồi hồi kể, mơ ước ban đầu gói gọn là có một cơ sở y tế tư, nhưng đến nay, từ nhu cầu của người dân, công ty của ông đã gầy dựng được một hệ sinh thái gồm: BVĐK Hoàng Tuấn, Trung tâm Y khoa Hoàng Tuấn Vĩnh Châu; Phòng khám đa khoa Y dược cổ truyền Hoàng Tuấn; Trung tâm sức khỏe nghề nghiệp Hoàng Tuấn; Trung tâm an dưỡng Hoàng Tuấn. Mỗi nơi đều có chiến lược riêng, nhưng quan điểm phát triển chỉ có một là hướng đến người dân. Làm thế nào để mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế tốt với chi phí hợp lý.
Đó cũng là lý do Trung tâm y khoa Hoàng Tuấn Vĩnh Châu ra đời để đưa nhân viên y tế cùng trang thiết bị về vùng ven biển xa nhất tỉnh Sóc Trăng. Hay như tiết lộ của ông Tuấn tới đây, sẽ mở thêm BVĐK Hoàng Tuấn – Ngã Năm, nơi giáp ranh 3 tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu cũng là để đưa y tế chất lượng cao về vùng sâu, vùng xa.
Chuyện mời bác sĩ giỏi về phục vụ người dân
Kể về quyết định tham gia vào lĩnh vực y tế, kỹ sư Hoàng Tuấn và vợ là BS Nguyễn Kỷ Đoan Nghi, Giám đốc BVĐK Hoàng Tuấn, vốn quá hiểu khó khăn của người dân quê hương trước đây. Mỗi lần muốn khám bệnh kỹ thuật cao thường phải thức khuya, dậy sớm, lặn lội đi xa lên tuyến trên.
Vợ chồng ông Tuấn tự nhủ: “Sao không mở một cơ sở y tế máy móc tốt ở Sóc Trăng rồi mời bác sĩ giỏi về phục vụ người dân?”. Trăn trở rồi quyết thực hiện, tháng 5.2009, Trung tâm y khoa Hoàng Tuấn (tiền thân của BVĐK Hoàng Tuấn) khai trương tại P.1, TP.Sóc Trăng.
Để có thầy thuốc giỏi, vợ chồng ông Tuấn lên TP.Cần Thơ, gõ cửa nhiều bác sĩ có tiếng mời họ về Sóc Trăng hợp tác ngoài giờ. ThS.BS Phan Văn Khoát (Trường ĐH Y Dược Cần Thơ), người gắn bó với Công ty TNHH Bệnh viện Hoàng Tuấn suốt 15 năm, vẫn nhớ: “Đường xa hơn 60 km nhưng nhiều bác sĩ trên Cần Thơ bị thuyết phục bởi cái tâm của vợ chồng anh Tuấn, BS Nghi”. Khi ấy, Sóc Trăng là vùng trũng về y tế của miền Tây, y tế tư nhân chưa có mà công lập thì quá tải. BS Khoát cũng thổ lộ, điều khiến ông gắn bó lâu dài là các nhân viên y tế ở Công ty TNHH Bệnh viện Hoàng Tuấn không có chủ trương “thổi phồng” dịch vụ để thu tiền. Thay vào đó là sự chia sẻ, tận tâm, tư vấn điều trị đúng hướng cho người bệnh. Thế nên người dân họ tin tưởng, đến ngày càng đông, bác sĩ không phải lo áp lực chạy chỉ tiêu.
Bài toán quản trị
Để đảm bảo công tác điều trị nội trú, cũng như đáp ứng yêu cầu khám ngoại trú như hiện nay, ngoài mua sắm trang thiết bị hiện đại, các cơ sở y tế trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Hoàng Tuấn còn đặc biệt chú trọng đến nhân lực và đào tạo chuyên môn.
BS.CK2 Lê Minh Thắng, phụ trách phòng cấp cứu, BVĐK Hoàng Tuấn, từng có hơn 20 năm làm việc tại BV công, chia sẻ: “Quyết định chuyển về BVĐK Hoàng Tuấn với tôi không quá khó. Bởi vì ở đây điều kiện trang thiết bị khá đầy đủ, môi trường làm việc thoải mái, có chiến lược phát triển lâu dài và chế độ, thu nhập ổn định”.
Từ chỗ chỉ có 4 bác sĩ cơ hữu vào năm 2009, đến nay, các cơ sở thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Hoàng Tuấn có khoảng 100 bác sĩ cơ hữu, hầu hết đều có trình độ sau đại học hoặc đang cử đi đào tạo. Ông Tuấn nói: “Chủ trương của tôi là làm sao khi tuyển dụng bác sĩ họ hiểu được văn hóa của đơn vị, dễ hòa nhập, có thu nhập chính đáng, công việc ổn định, được đào tạo chuyên môn. Lúc ấy, tự động nhân lực giỏi cũng chủ động xin về”.
Theo ông Tuấn, làm kinh tế tất nhiên phải có lợi nhuận nhưng đạo đức cần đặt lên hàng đầu. Bài toán đặt ra là làm thế nào để đội ngũ làm chuyên môn có thu nhập xứng đáng trong khi mức thu chi phí khám chữa bệnh bình dân, không tạo gánh nặng cho người bệnh. Ở đó, chìa khóa chính là khâu quản trị. Cả Công ty TNHH Bệnh viện Hoàng Tuấn với 5 cơ sở trực thuộc, phục vụ 2.000 – 2.200 người khám ngoại trú nhưng chỉ có 12 nhân sự hành chính, gồm các phòng ban (không tính kiêm nhiệm). Cùng với đó là tăng cường chuyển đổi số đã giúp các cơ sở y tế tối ưu về nhân lực, tiết kiệm chi phí đáng kể mỗi năm. “Từ tiết kiệm đó công ty có thể chi trả xứng đáng hơn cho nhân viên y tế trực tiếp khám chữa bệnh, giúp họ có động lực làm việc tốt hơn. Khi họ làm tốt công việc của mình thì người dân sẽ được hưởng lợi và đặt trọn niềm tin”, ông Tuấn nói.
Sau 15 năm, có thể nói, Công ty TNHH Bệnh viện Hoàng Tuấn không chỉ tạo bước ngoặt về xã hội hóa y tế ở Sóc Trăng. Hơn hết, chính cách làm và quan điểm phát triển của công ty đã và đang mang đến cho người dân địa phương cơ hội chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.