Trong 24 lĩnh vực của Research.com, 14 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được ghi nhận ở 6 lĩnh vực gồm: Kỹ thuật Công nghệ, Khoa học Máy Tính, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật Liệu, Cơ khí và Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, Y học cộng đồng.
4 nhà khoa học của Đại học Quốc Gia Hà Nội tiếp tục có tên trong bảng xếp hạng của thế giới và dẫn đầu Việt Nam trong 3 lĩnh vực trong năm 2023 là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Từ Bình Minh, lĩnh vực Khoa học Môi trường và PGS. TS Lê Hoàng Sơn, lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ: có một người Việt Nam là GS Nguyễn Đình Đức – Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong lĩnh vực này, lấy địa chỉ Việt Nam còn có 2 người nước ngoài và đều lấy địa chỉ là ĐH Duy Tân.
Khoa học Môi trường: Việt Nam có 3 người, tăng 1 người so với năm ngoái, là GS Phạm Hùng Việt và PGS Từ Bình Minh của ĐH Quốc gia Hà Nội, TS Trần Nguyễn Hải của Đại học Duy Tân.
Khoa học Máy tính: năm nay có 3 người, trong đó có 2 người Việt Nam là PGS Lê Hoàng Sơn – ĐH Quốc gia Hà Nội và TS Hoàng Nhật Đức của ĐH Duy Tân, tăng 1 người so với năm ngoái.
Khoa học Vật liệu: có GS Nguyễn Văn Hiếu của ĐH Phenikaa.
Lĩnh vực Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ: Việt Nam có 5 người, tăng 1 người so với năm ngoái, trong đó ĐH Công nghệ TP.HCM có 2 người là GS Nguyễn Xuân Hùng và PGS Phùng Văn Phúc; PGS Thái Hoàng Chiến – ĐH Tôn Đức Thắng; PGS Nguyễn Thời Trung – ĐH Văn Lang, PGS Bùi Quốc Tính – ĐH Duy Tân.
Ngoài ra còn có 2 người nước ngoài nhưng lấy tên địa chỉ ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân cũng có tên trong bảng xếp hạng tính cho Việt Nam.
Lĩnh vực Y học cộng đồng và khoa học xã hội có tên PGS Trần Xuân Bách – ĐH Y Hà Nội và GS Hoàng Văn Minh – ĐH Y tế Công cộng.
Các nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng đều từ các trường đại học, là trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh. Những con số thống kê trên phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới.
Đồng thời cũng cho thấy khoa học công nghệ Việt Nam phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, phải đầu tư hơn nữa cho các nhà khoa học, cho các nhóm nghiên cứu mạnh, cho các trường đại học và cho các mũi nhọn trọng điểm, để khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng vươn lên, tiếp cận các chuẩn mực và trình độ quốc tế, hội nhập mạnh mẽ hơn nữa, sánh vai với khoa học của thế giới.
Research.com phân chia thành 24 lĩnh vực để xếp hạng, đó là: Animail Science and Veterinary; Biology and Biochemistry; Business and Maanagement; Chemistry; Computer Science; Earth Science; Ecology and Evolution; Economics and Finance; Electronics and Electrical Engineering; Engineering and Technology; Environmental Sciences; Genetics and Molecular Biology; Immunology; Law and Political Science; Mathematics; Mechanical and Aerospace Engineering; Medicine; Microbiology and Neuroscience.
Về phương pháp xếp hạng của Research.com, hệ thống đánh giá dựa trên chỉ số D-index của nhà khoa học – đây là chỉ số H-index và số bài báo theo lĩnh vực của các nhà khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu của IEEE, ACL, Springer, AAAI, USENIX, Elsevier, ACM và LIPIcs. Trong đó, với đợt xếp hạng lần này, website Research.com đã xem xét dữ liệu của 166,880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới.
Tuấn Kiệt