Theo văn bản kiến nghị, có một số bất cập nổi cộm cần được tính toán lại cho phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Cụ thể, định mức chi phí tái chế trong dự thảo được tính toán dựa vào các nghiên cứu tham vấn có kết quả chênh lệch nhau rất lớn, do vậy không có độ tin cậy. Hơn nữa, định mức chi phí tái chế đề xuất trong dự thảo chưa hợp lý và đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước khác.
Bên cạnh đó, công thức tính chi phí tái chế như trong dự thảo hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì. Do vậy, chi phí tái chế đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.
Ngoài những góp ý trên, các hiệp hội cũng có 4 kiến nghị. Thứ nhất, cần có chính sách ưu đãi cho các loại bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào nguồn vật liệu nguyên sinh trong sản xuất, tạo đầu ra cho ngành tái chế và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế ở Việt Nam, mang tính quyết định trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, thay đổi cách nộp quỹ, theo đó sẽ quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm, thay vì tạm ứng trước vào đầu năm, để vừa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường vừa giảm được khó khăn cho doanh nghiệp. Đề xuất này cũng phù hợp với Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21.4.2023 của Chính phủ chỉ đạo: “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp”, “triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…” để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt khó khăn như hiện nay.
Thứ 3 là cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.
Cuối cùng, trong hai năm đầu tiên (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận.