Ngôi nhà tranh bình dị nép dưới hàng cau và những rặng tre xanh rì. Không gian làng quê mộc mạc và những đồ dùng sinh hoạt ở thế kỷ 19 tạo cho mọi người cảm giác như các thành viên trong gia đình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang hiện diện ở đây.
Thân thương, gần gũi
Con đường nhựa dẫn từ QL46 về làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, H.Nam Đàn, Nghệ An) rợp bóng cây. Hai bên đường, những ao sen đang đua nhau nở rộ, khoe sắc. Kim Liên đẹp nhất vào tháng 5 khi sen dưới ao bắt đầu nở rộ và những đường làng nhộn nhịp xe cộ chở khách về quê Bác.
Lần đầu tiên từ TP.HCM ra Nghệ An, bà Lê Thị Mai tỏ ra rất ấn tượng với phong cảnh làng quê ở Kim Liên và đặc biệt là những hiện vật được lưu giữ tại khu di tích này. “Nhóm chúng tôi rủ nhau đi Nghệ An chơi, thăm quê Bác vì tôi chưa lần nào được ghé thăm. Tôi thật sự rất xúc động khi nhìn thấy căn nhà, đồ dùng sinh hoạt mà gia đình Bác đã sử dụng vẫn còn lưu giữ đến hôm nay. Nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về tuổi thơ của Bác, có cảm giác gia đình Bác vẫn như đang hiện diện ở đây”, bà Mai chia sẻ.
Đứng rất lâu trước căn nhà tranh ở làng Hoàng Trù, quê ngoại và là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời và sống 5 năm tuổi ấu thơ (1890 – 1895), ông Đinh Văn Hóa (ngụ Nam Định) chia sẻ: “Tôi đã đến đây một lần cách đây hơn chục năm. Đến đây lần nào cũng cảm thấy bồi hồi, xúc động. Hiện không gian khu di tích này đã trở nên rộng rãi hơn, đẹp hơn trước đây nhiều”.
Hoàng Trù là quê ngoại của Bác Hồ và nơi đón Bác về thăm quê ngày 9.12.1961. Hoàng Trù cách làng Sen, quê nội của Bác, gần 2 km. Ngoài không gian (nhà cửa, vườn tược) của gia đình Bác sinh sống đã được bảo tồn rất tốt từ hàng chục năm qua, có 3 hộ láng giềng gần nhà ông bà ngoại của Bác đã được phục dựng cách đây ít năm, nhằm tái hiện một phần không gian văn hóa của làng Hoàng Trù thế kỷ 19.
Tại làng Sen, di tích ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi Bác đã sinh sống 5 năm thời niên thiếu (1901 – 1906). Đây cũng là nơi Bác đã về thăm vào ngày 16.6.1957 và ngày 9.12.1961.
Ngoài ra, ở đây còn có di tích nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Vương Thúc Quý (thầy dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh); giếng Cốc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra lấy nước cho gia đình khi ở làng Sen; lò rèn Cố Điền, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sang chơi khi còn ở làng Sen… và 3 hộ láng giềng xung quanh nhà ông Nguyễn Sinh Sắc. Cụm di tích này cũng thể hiện thành công không gian văn hóa làng Sen của thế kỷ 19.
Bảo tồn giá trị di tích Kim Liên
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích đặc biệt Kim Liên, cho biết từ năm 1956, Đảng ta đã có chủ trương khôi phục các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Bác. Các chuyên gia bảo tồn bảo tàng đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, tìm lại được ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đem về phục dựng lại trên nền đất cũ.
Một thời gian sau, các cán bộ bảo tàng đã sưu tầm được thêm ngôi nhà ngang 3 gian mang về dựng lại ở vị trí cũ. Trên cơ sở các di tích lưu niệm đã có, năm 1970, Bảo tàng Kim Liên, bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên trong cả nước, ra đời. Năm 1979, Bộ VH-TT công nhận Kim Liên là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 1983, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh quyết định đổi tên Bảo tàng Kim Liên thành Khu di tích Kim Liên do UBND tỉnh trực tiếp quản lý và Bảo tàng Hồ Chí Minh chỉ đạo về khoa học nghiệp vụ. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích Kim Liên thành di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích Kim Liên hiện có 4 cụm: cụm di tích làng Sen, di tích làng Hoàng Trù, di tích núi Chung và khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ). Không gian di tích đã được mở rộng hơn nhiều so với trước. Năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên rộng 278,86 ha.
Năm 2023, hai dự án nằm trong tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên đã được khởi công. Hai dự án này là khu du lịch văn hóa và thác 9 tầng tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan do Tập đoàn T&T tài trợ vốn. Theo đó, khu du lịch văn hóa sẽ được xây dựng trên diện tích 43 ha, gần QL46 ở xã Kim Liên, cách làng Sen và làng Hoàng Trù khoảng 2 km. Dự án sẽ xây dựng khu văn hóa, dịch vụ du lịch, bãi đỗ xe, khu thực nghiệm, bảo tồn nông nghiệp… với kinh phí 1.735 tỉ đồng.
“Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giúp các bãi đỗ xe hiện có giảm tải trong những đợt cao điểm. Ngoài ra, dự án sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm bản sắc địa phương để du khách có được những trải nghiệm thú vị khi đến với quê hương của Bác”, ông Nguyễn Bảo Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng cho biết: Đến nay, khu di tích đã sưu tầm và đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật rất giá trị liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hiện vật này vừa phục vụ khách tham quan, vừa để làm tư liệu, nghiên cứu. “Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa thuyết minh tự động để phục vụ du khách. Những đoàn không được nghe trực tiếp thì có thể nghe qua thuyết minh tự động, vừa giảm áp lực cho những người làm công việc thuyết minh, vừa tạo điều kiện cho du khách dễ dàng tìm hiểu đầy đủ hơn về quê hương Bác Hồ”, ông Tuấn nói.
Ứng dụng công nghệ
Mỗi năm, Kim Liên đón từ 1,7 – 2 triệu lượt khách đến thăm. Để đưa giá trị di tích đến gần hơn với du khách, từ năm 2022, Ban quản lý Khu di tích Kim Liên đã đưa ứng dụng tư liệu số vào di tích. Tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan, 2 màn hình cảm ứng tương tác được đặt tại nhà trưng bày hiện vật và khu mộ. Tương tác với màn hình, du khách có thể tự tìm hiểu và khám phá mọi thông tin, hình ảnh về khu mộ trên màn hình điện tử nhờ công nghệ thực tế ảo VR 360 độ và công nghệ AR thực tế ảo tăng cường. Hình ảnh từ công nghệ thực tế ảo này tái hiện chính xác 100% không gian thật của khu mộ. Qua đó, du khách có thể quan sát toàn cảnh khu mộ ngay tại nhà trưng bày, quan sát được tất cả tư liệu, hình ảnh hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sống động nhất mà không mất công di chuyển và tìm kiếm.
Với màn hình chạm này, có thể di chuyển nhiều vị trí, khu vực khác nhau trong không gian toàn cảnh của khu di tích, chiêm ngưỡng khung cảnh nơi đây dưới nhiều góc độ, có thể lựa chọn giữa việc di chuyển theo dấu chân giống như trải nghiệm ngoài thực tế. Từ ứng dụng này, du khách có thể tải ứng dụng hoặc quét mã QR để tham quan khu di tích ngay trên thiết bị điện thoại thông minh của mình.
Tương tự, ứng dụng màn hình chạm cũng được triển khai tại cụm di tích khác ở Kim Liên. Ngoài những hình ảnh từ công nghệ thực tế ảo VR 360 độ và thực tế ảo tăng cường AR, trên màn hình còn chứa đựng “kho báu khổng lồ” với trên 10.224 file ảnh tài liệu quý. Du khách có thể tra cứu trực tiếp ở màn hình và tải ứng dụng hoặc quét mã QR để “đưa di tích về nhà” tìm hiểu thêm.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/134-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-1951890-1952024-thang-5-o-kim-lien-185240517225458752.htm