Theo Philstar ngày 1.5, các khu vực này bao gồm 7 tỉnh có toàn bộ lãnh thổ nằm trong tình trạng thiên tai, đó là Occidental Mindoro, Antique, Sultan Kudarat, Basilan, Maguindanao del Sur, Maguindanao del Norte và Nam Cotabato.
Ông Joey Villarama, người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm El Nino và trợ lý thư ký văn phòng Truyền thông của Tổng thống Philippines, cho biết: “Theo cập nhật mới nhất từ Cục Phòng vệ dân sự Philippines, 131 thành phố và thị trấn đã tuyên bố tình trạng thiên tai. Những khu vực này trải rộng khắp đất nước”.
Ông Villarama cho biết tác động của hiện tượng El Nino đối với 131 thành phố và thị trấn ở Philippines là khác nhau và hiện có 41 khu vực đang bị hạn hán. Một khu vực bị hạn hán nếu trải qua 5 tháng liên tiếp có lượng mưa dưới mức bình thường hoặc lượng mưa trung bình giảm từ 21% đến 60%. Một số khu vực bị ảnh hưởng bởi đợt khô hạn được xác định có 3 tháng liên tiếp lượng mưa dưới mức trung bình hoặc giảm 21% – 60% so với lượng mưa thông thường.
Ông Villarama cho biết số thiệt hại về nông nghiệp đã lên tới 4,39 tỉ peso (1,922 tỉ đồng), tương đương với 77.731 héc ta hoa màu bị hư hại. Nhưng, 77% đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi El Nino vẫn có thể được phục hồi.
Nhận định về hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây ở Philippines, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ủy ban biến đổi khí hậu Robert Borje cho rằng: “Thế giới đang gửi đi những dấu hiệu cho thấy cần phải làm gì đó và điều này rất đáng báo động”.
Theo cơ quan thời tiết PAGASA, Philippines có thể phải chịu đựng cái nóng thiêu đốt với chỉ số nhiệt dự báo tăng vọt từ 45°C đến 54,8°C vào tháng 5. Đồng thời, PAGASA dự báo Philippines đón ít nhất 14 cơn bão sẽ đổ bộ vào nước này bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10.
Chuyên gia thời tiết John Manalo của PAGASA dự báo rằng cường độ hoặc số lượng trạm thuộc danh mục nguy hiểm sẽ tăng lên và nhiệt độ hoặc chỉ số nhiệt cũng có thể tăng.
Trong khi đó, Trung tâm Sinh thái và Phát triển năng lượng Philippines cho biết dự báo thời tiết cực đoan nên được coi là một “tình huống khẩn cấp”. “Đây đã là tình huống khẩn cấp. Nó không chỉ nóng mà còn đang cháy. Điều đó có nghĩa là cần phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để ứng phó với tình huống này”, trung tâm này cảnh báo.
Để giải quyết tình trạng trên, chính phủ Philippines đang xem xét tiến hành các hoạt động gieo mưa nhân tạo, phụ thuộc vào nhu cầu của các khu vực bị ảnh hưởng. Việc tạo mây sẽ được tiến hành ở vùng Cagayan (Philippines), nhưng đây không phải là biện pháp can thiệp chính để khắc phục hiện tượng khí hậu El Nino.
“Chúng ta phải đáp ứng điều kiện có mây để gieo mưa và điều đó còn phụ thuộc vào hướng gió. Nếu chúng ta tiến hành tạo mây và hướng gió thay đổi, nó sẽ chảy ra biển. Hiện đã có yêu cầu tiến hành hoạt động ở khu vực đập Magat (Luzon, Philippines)”, ông Villarama nói rõ.
PAGASA lưu ý người dân về các hiện tượng chuột rút và kiệt sức do nhiệt có thể xảy ra ở những khu vực có chỉ số nhiệt độ nguy hiểm, từ 42°C – 51°C. Triệu chứng đột quỵ do nhiệt cũng có thể xảy ra nếu tiếp xúc liên tục dưới ánh nắng mặt trời. Đồng thời, ông Villarama nhắc lại lời kêu gọi tiết kiệm nước, điện và kêu gọi tiết kiệm nước và điện.