Sáng 18/11, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ tổ chức Hội nghị “Xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trái cây chủ lực huyện Phúc Thọ” đưa ra các chiến lược tập trung vào chất lượng, thương hiệu và thị trường tiêu thụ.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết: “Hiện nay, diện tích cây ăn quả tại Hà Nội không ngừng mở rộng, đạt 20.000ha vào năm 2024, với trên 50% diện tích tập trung vào các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi, chuối, nhãn, cam, ổi. Phúc Thọ, với truyền thống và tiềm năng lớn, đã khẳng định vị thế qua các sản phẩm đặc trưng như bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, và chuối Vân Nam – không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng mà còn mang lại giá trị kinh tế vượt trội, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân”.
“Chúng tôi hy vọng Hội nghị hôm nay sẽ là cầu nối giữa các nhà sản xuất, doanh nghiệp và đối tác phân phối, mở ra cơ hội hợp tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu”, ông Trung cho biết thêm.
Phát huy vai trò chủ lực, trung tâm của nông dân huyện Phúc Thọ…
Bà Khuất Thị Phương, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết: “Phúc Thọ là huyện có nền nông nghiệp phát triển vì có tới 6.925ha đất nông nghiệp, chiếm 58,7% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, địa hình bằng phẳng, khí hậu nhiệt đới gió mùa và lớp thổ nhưỡng phù sa màu mỡ. Điều kiện tự nhiên thuận lợi đã giúp Phúc Thọ hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, đặc biệt là bưởi và chuối – những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao.
Từ lâu, bưởi đã là cây ăn quả truyền thống tại các xã như Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Hiệp Thuận, với các giống nổi bật như bưởi Phúc Thọ, Tam Vân, bưởi Đoan Hùng và bưởi Da Xanh.
Trong năm 2015, huyện đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Bưởi Phúc Thọ. Từ năm 2015 đến 2019, huyện Phúc Thọ đã tổ chức 25 lớp đào tạo nghề sơ cấp (3 tháng/lớp) tập trung vào sản xuất cây bưởi – loại cây chủ lực của địa phương. Sau khóa học, các hộ dân áp dụng kiến thức vào thực tế, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Hàng năm, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn thâm canh bưởi an toàn tại các xã trọng điểm.
Năm 2022, huyện tổ chức Hội thi Nhà vườn kiểu mẫu, chọn ra 10 nhà vườn bưởi tiêu biểu, góp phần quảng bá sản phẩm và thúc đẩy du lịch sinh thái. Năm 2023, UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức Vòng Sơ khảo Hội thi khoa học kỹ thuật về trồng bưởi, qua đó đội Phúc Thọ đạt giải nhất.
Hiện, diện tích bưởi toàn huyện đạt 756 ha, trong đó bưởi Phúc Thọ chiếm 600 ha (79,4%), Tam Vân chiếm 136,5 ha (18%). Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác lâu đời, bưởi Phúc Thọ đạt chất lượng vượt trội: quả tròn, vỏ mỏng, múi mọng nước, thơm dịu, vị ngọt thanh với hàm lượng đường 18-20%.
Những cây bưởi trồng tại xã Vân Hà, Thượng Cốc có thể cho tới 500 quả/cây. Mỗi ha bưởi mang lại thu nhập 500-700 triệu đồng/năm. Địa phương còn đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc qua tem QR, giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Hiện nay, huyện cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 1.275.000 quả từ diện tích 90 ha tại các xã trọng điểm.
“Bên cạnh bưởi, chuối cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của Phúc Thọ, với diện tích 195 ha, tập trung tại Vân Nam (80 ha), Xuân Đình, Vân Phúc và Hát Môn. Chuối Vân Nam, nổi bật với mã quả đẹp, chất lượng tốt, đã được cấp nhãn hiệu vào năm 2016. Cây chuối có chi phí đầu tư thấp (60-80 triệu đồng/ha/năm) nhưng mang lại thu nhập cao, từ 300-500 triệu đồng/ha/năm”, bà Phương cho biết thêm.
Để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, huyện Phúc Thọ đang tập trung mở rộng vùng bưởi lên 750 ha (trong đó 75% là bưởi Phúc Thọ, 20% là bưởi Tam Vân), đồng thời mở rộng vùng chuối tại các xã mới như Vân Hà, Sen Phương và Hát Môn.
Ký kết thoả thuận ghi nhớ hợp tác giữa nông dân và các doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, nhiều đại diện doanh nghiệp và hợp tác xã đã chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với nông dân để đưa sản phẩm trái cây chủ lực như bưởi và chuối đạt chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Cao Văn Ngân, Giám đốc HTX Hương Bưởi (xã Vân Hà), chia sẻ: “Nhờ các buổi tập huấn kỹ thuật thâm canh, việc sản xuất đã được cải thiện rõ rệt, nhưng tâm lý chung của nông dân vẫn mong nhà nước hỗ trợ kết nối doanh nghiệp để đầu ra luôn ổn định. Chúng tôi đề nghị tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật mới và đầu tư mở rộng mô hình sản xuất. Quan trọng nhất, sản phẩm phải đạt chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp, quy trình sản xuất rõ ràng thì mới dễ dàng tiếp cận các doanh nghiệp và thị trường cao cấp”.
Bà Chu Thị Lâm Hồng, đại diện Công ty TNHH Hoa Quả Thùy Anh bày tỏ kỳ vọng: “Chúng tôi sẵn sàng tiêu thụ từ 7 đến 8 vạn quả chuối mỗi tháng. Tuy nhiên, để sản phẩm vào được hệ thống của chúng tôi, phải đảm bảo mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các khách hàng khó tính”.
Một doanh nghiệp khác, ông Bùi Doãn Chiên, nhấn mạnh: “Chúng tôi rất sẵn lòng hợp tác để cung cấp sản phẩm chuối Phúc Thọ đến các kênh phân phối lớn và trường học tại Hà Nội. Việc hợp tác với nông dân không chỉ là yếu tố cốt lõi giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn góp phần ổn định đời sống người nông dân. Chúng tôi mong muốn được đồng hành và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững cùng Phúc Thọ”.
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo huyện Phúc Thọ và các cơ quan chuyên môn, buổi lễ ký kết hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp đã diễn ra trong không khí phấn khởi và đầy kỳ vọng.
Cũng trong chuỗi sự kiện Hội nghị, các lãnh đạo và doanh nghiệp cũng đã thăm quan các vùng trồng bưởi và chuối ở huyện Phúc Thọ.
Nguồn: https://danviet.vn/12-trieu-qua-buoi-can-tieu-thu-huyen-phuc-tho-cua-ha-noi-to-chuc-ket-noi-doanh-nghiep-voi-nong-dan-20241118141614914.htm