Sáng 3-12, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức vòng chung kết cấp thành phố cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm học 2023-2024. Trước đó, vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 17-10 đến 22-11, chọn ra 12 dự án xuất sắc nhất tiếp tục tranh tài.
Học sinh tự tin khởi nghiệp
Mở đầu phần tranh tài giữa các đội thi, dự án “Ô con giáp” – phiên bản mở rộng của bộ trò chơi ô ăn quan, do nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) thực hiện mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người xem.
Xuất phát từ ý tưởng mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, nhóm đã kết hợp giữa trò chơi ô ăn quan và trò chơi tương tác trên bàn cờ (còn gọi boardgame), tạo ra phiên bản mở rộng mới nhằm thu hút thêm người chơi.
Dự án hướng đến nhóm đối tượng khách hàng từ 12-30 tuổi, sống ở thành thị, có nhu cầu giải trí cao thông qua các trò chơi tiện dụng, thiết kế 3D đẹp mắt, hướng dẫn luật chơi bằng cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Điểm thu hút của “Ô con giáp” là bàn cờ dựa trên câu chuyện 12 con giáp, luật chơi tăng thêm tính bất ngờ và khó đoán thông qua các thẻ chức năng, tích hợp kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc.
Dự án “Chế tạo kem đánh răng sim rừng phòng ngừa và điều trị sâu răng” của học sinh Trường THPT Bình Chánh (huyện Bình Chánh), có ưu điểm “đánh” đúng nhu cầu sử dụng các sản phẩm nguồn gốc hữu cơ của người tiêu dùng.
Với mỗi sản phẩm kem đánh răng bán với giá 21.500 đồng/tuýp 75g, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng do có nguồn gốc thực vật là lá trà xanh và sim rừng, góp phần ngăn ngừa, điều trị sâu răng một cách hữu hiệu.
Với dự án “Ứng dụng AI nhận diện vết cắn côn trùng”, nhóm học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) được ban giám khảo đánh giá rất cao về tính sáng tạo.
Dù ở độ tuổi học sinh trung học phổ thông, nhưng các em đã mạnh dạn nghiên cứu, thiết kế ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện vết côn trùng cắn. Theo đó, chỉ cần điện thoại di động có truy cập internet, người dùng có thể quét qua hình ảnh vết cắn côn trùng để được chẩn đoán mức độ nguy hiểm, giải pháp sơ cứu và gợi ý nơi mua thuốc điều trị.
ThS Nguyễn Thu Hà, Học viện Cán bộ TPHCM đánh giá cao tính ứng dụng của các dự án tham gia tranh tài. Ngoài nỗ lực tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng cao, học sinh còn thể hiện được ý thức đóng góp cho cộng đồng, biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo
Năm nay, cuộc thi có sự tham gia của 152 dự án. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, nội dung các đề tài tham gia dự thi ngày càng phong phú. Trong đó, đối tượng dự thi không chỉ học sinh cấp THPT mà mở rộng cả cấp THCS. Đây là một trong những tín hiệu tích cực thể hiện sức lan tỏa của phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đối với học sinh thành phố.
“Tôi ghi nhận và biểu dương sự quan tâm đầu tư của các trường phổ thông trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Hiện nay, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được tham gia nhiều hoạt động lồng ghép tìm hiểu ngành nghề lao động trong xã hội. Đối với các cấp THCS và THPT, giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thường xuyên hơn thông qua nhiều hoạt động đa dạng”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, trong bối cảnh cả nước nói chung, TPHCM nói riêng đang hội nhập sâu rộng thế giới cũng như bùng nổ công nghệ thông tin, tinh thần khởi nghiệp chính là chìa khóa giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt và thành công hơn khi vào đời.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, kết quả xếp hạng của cuộc thi không phải mục tiêu duy nhất, mà hơn hết, là giúp học sinh các cấp phát huy ý tưởng sáng tạo, có định hướng rõ nét hơn về nghề nghiệp để thêm động lực phát triển trong tương lai.
Được duy trì tổ chức trong nhiều năm qua, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” nhằm tạo môi trường trải nghiệm khởi nghiệp cho học sinh, qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo tại các trường phổ thông. Thông qua cuộc thi, ban tổ chức vận động thêm nguồn vốn hỗ trợ các dự án tiềm năng của học sinh, đẩy mạnh phong trào học tập và khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trưa 3-12, Sở GD-ĐT TPHCM công bố kết quả vòng chung kết cấp thành phố cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Theo đó, giải nhất đã thuộc về dự án “BIOPLASTIC – Sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê” của học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh).
Ngoài ra, 2 giải nhì được trao cho các dự án “MERCURY, học tập và trải nghiệm hóa học hiệu quả trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) và “TOXIC PRODUCTIVITY cùng học sinh trung học phổ thông vượt qua năng suất độc hại bằng sổ tay học tập kết hợp thử thách giới hạn bản thân” của Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh).
Ban tổ chức cũng trao 2 giải ba và 7 giải khuyến khích cho các dự án tham gia vòng chung kết.
THU TÂM