Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự, chỉ đạo và trực tiếp quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Cùng dự và quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết tại Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định.
Gần 5.000 điểm cầu dự Hội nghị
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu Hội Nông dân tỉnh, thành, 588 điểm cầu cấp huyện và 4.255 điểm cầu cơ sở với tổng số 112.716 đại biểu tham dự tại các điểm cầu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đã thành công rất tốt đẹp. Đại hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết và các văn kiện Đại hội. Đặc biệt, trước thềm Đại hội, ngày 20/12/2023 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46- NQ/TW về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, ngày 20/2/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 182-QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”.
“Có thể nói đây là những nội dung hết sức quan trọng định hướng, dẫn dắt cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiều năm tới. Để cụ thể hoá, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành Chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 46, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam; Chương trình công tác toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2023 – 2028; Kế hoạch thực hiện Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ”- Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam nhấn mạnh.
“Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là cán bộ Hội chủ chốt các cấp Hội. Do đó, việc triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết phải được tiến hành nghiêm túc, tập trung làm rõ nắm vững những quan điểm, nội dung cốt lõi, mục tiêu tổng quát, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu chủ yếu, để từ đó cụ thể hoá tổ chức triển khai, kịp thời sáng tạo hiệu quả phù hợp với nhiệm vụ của từng cấp Hội, từng địa phương cơ sở Hội, tạo khí thế phong trào thi đua sôi nổi ở các cấp Hội ngay từ năm đầu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ” – Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quán triệt Nghị quyết số 46, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã thông tin về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 46, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực trạng phát triển của Hội Nông dân Việt Nam; quá trình xây dựng Đề án, dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị; những nội dung cơ bản của Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị.
Theo đó, về quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 46 có 3 nhóm quan điểm. Đó là: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và Xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và ban chấp hành Hội Nông dân các cấp.
Tăng cường trách nhiệm của Hội Nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.
Củng cố vai trò nòng cốt chính trị của hội trong phong trào nông dân; nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội, phát triển tổ chức, phát triển hội viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Về mục tiêu tổng quát Nghị quyết đưa ra là đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Mục tiêu cụ thể hàng năm theo nghị quyết, phấn đấu thực hiện: Kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới trở lên. 100% cán bộ hội nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ.
Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 250.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 50.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.
Thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp.
Vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 1.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 hợp tác xã nông nghiệp.
60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó có 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; 50.000 hội viên nông dân trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đó là:
Thứ nhất: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân
Thứ 2: Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Thứ 3: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh
Thứ 4: Động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động
Thứ 5: Phát huy vai trò của hội nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Thứ 6: Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân
Thứ 7: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các hội quần chúng với hội nông dân
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Để thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW cùa Bộ Chính trị, nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, Trung ương Hội đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Hội, bao gồm:
Kế hoạch số 59-KH/ĐĐHNDVN ngày 17/01/2024 của Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.
Chương trình hành động số 04-CTr/HNDTW ngày 08/3/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Hội thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam.
Kế hoạch số 15-KH/HNDTW ngày 08/3/2024 của Ban Thường vụ Trung ương Hội thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, năm 2024.
5 nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nông dân Việt Nam năm 2024
Đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết: Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xác định triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, cụ thể: Tiếp tục phát triển mạnh chi, tổ Hội Nông dân nghềnghiệp; Đẩy mạnh thành lập các mô hình câu lạc bộ của nông dân, xây dựng, ban hành quy trình hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ của nông dân, tập trung xây dựng 4 mô hình: “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, “Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông”, “Câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường”.
Thứ hai: Vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, cụ thể: Tổ chức phát động phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể”; Xây dựng quy trình hướng dẫn và tổ chức hỗ trợ thành lập một số mô hình Hợp tác xã nông nghiệp làm hình mẫu để cán bộ, hội viên nông dân thăm quan, học tập và nhân rộng mô hình.
Thứ ba: Nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp, cụ thể: Khảo sát, xây dựng và ban hành chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp; Thí điểm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp huyện trở lên.
Thứ tư: Xây dựng bộ chỉ số đánh giá và tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể: Nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; Thí điểm tổ chức cho các nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm: Đẩy mạnh hỗ trợ, phổ biến, mở rộng ứng dụng App nông dân Việt Nam trong hội viên nông dân, cụ thể: Tổ chức phổ biến, hướng dẫn sử dụng App nông dân Việt Nam cho hội viên nông dân; Thí điểm tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia ý kiến, tổng hợp phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua App nông dân Việt Nam.
Trong buổi sáng Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2023.
Buổi chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính sẽ quán triệt những nội dung cơ bản của Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII (sửa đổi, bổ sung); Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam quán triệt chương trình công tác trọng tâm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định quán triệt Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ.