Sáng 29/8, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức trưng bày “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam – Họa sĩ Bùi Trang Chước”, giới thiệu gần 200 tài liệu lưu trữ về sự ra đời của Quốc huy Việt Nam và bản gốc phác thảo mẫu vẽ.
Họa sĩ Bùi Trang Chước đã phác thảo 112 mẫu Quốc huy Việt Nam, trong đó có 15 mẫu tiêu biểu được trình Chính phủ và Quốc hội lựa chọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý. Bản chính thức của Quốc huy Việt Nam được thông qua năm 1956.
Một số chi tiết phác thảo đầu tiên về Quốc huy Việt Nam. Trong số này có 57 bản chì, 55 bản màu, đều do cố họa sĩ vẽ tay.
Trong ảnh là các mẫu Quốc huy được chọn. Có 15 bản được Ban Mỹ thuật – Ngành Văn nghệ Trung ương chọn gửi Bộ Tuyên truyền, trình Thủ tướng tháng 10/1954.
Chân dung và một số kỷ vật họa sĩ Bùi Trang Chước để lại trong thời gian vẽ phác thảo Quốc huy Việt Nam.
Quốc huy, Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ. Phần lớn các bản phác thảo mẫu Quốc huy đã bị ố vàng, phai mờ, đặc biệt có 2 bản vẽ khổ lớn 56 x 34 cm đã bị rách cạnh. Đây là sản phẩm sáng tạo hội họa tiêu biểu, đầy đủ súc tích về đất nước, con người Việt Nam, khẳng định chủ quyền của quốc gia độc lập.
Bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam với hình ảnh ngôi sao 5 cánh, bánh xe thể hiện nền công nghiệp, dải lụa mềm uốn quanh những bông lúa.
Bản vẽ màu Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với hình ảnh chùa Một Cột phía sau, dải lụa đỏ uốn quanh những bông lúa chín vàng, bánh xe, ngôi sao vàng 5 cánh.
Phác thảo mẫu Quốc huy: Cá tính Việt Nam với các hình biểu tượng lịch sử như cột cờ Hà Nội, hồ Gươm và văn hóa dân tộc. Hồ sơ bảo vật cho biết, ở bản màu, cố họa sĩ sử dụng 2 màu chủ đạo là vàng và đỏ. Đây là 2 màu được hòa quyện trong Quốc kỳ của Việt Nam. Nội dung hồ sơ: “Lấy Quốc kỳ làm nội dung là có ý nghĩa hơn cả… Tượng trưng cho lịch sử cách mạng của dân tộc ta, là hình ảnh tươi thắm nhất, tiêu biểu nhất cho dân tộc ta cũng như cho chính thể dân chủ cộng hòa của chúng ta. Đó là hình ảnh đẹp nhất và xứng đáng nhất để làm nền cho Quốc huy”.
“Tôi cảm thấy rất xúc động, tự hào khi những tài liệu, hình ảnh quý của bố tôi được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm. Để ra được bản phác thảo cuối cùng bố tôi đã mất rất nhiều công sức, nghiên cứu ngày đêm để được nhà nước công nhận”, bà Nguyễn Thị Minh Thủy nói (áo xanh, con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước).
Hoa sĩ, nhà văn Đinh Quang Trực cho biết, ông rất kính trọng cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước khi gặp lại những phác thảo đầu tiên của mẫu Quốc huy Việt Nam. “Đây là minh chứng rõ nhất những cống hiến thầm lặng của ông cho đất nước, dân tộc”, ông nói.
Nhiều giấy chứng nhận, bằng khen và huân chương trong và ngoài nước trao tặng cho cố họa sĩ. Ông Chước còn là tác giả của một số mẫu huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập, Lao động, Kháng chiến, Quân công, Chiến sĩ…