Từng bị nói điên mới học sư phạm
5 ngày sau lễ tốt nghiệp, Trịnh Quang Thạch (SN 2001) vẫn thích thú ngắm nhìn bằng tốt nghiệp xuất sắc của mình. Dù biết bản thân là sinh viên có điểm GPA tốt nghiệp đứng đầu khoá 69, Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng Thạch bất ngờ hơn khi đó là số điểm cao nhất trong lịch sử khoa.
“Khi lựa chọn theo học Sư phạm Địa lý, nhiều bạn từng bảo em ‘điên mới theo học ngành này’ và khuyên chọn những ngành học liên quan đến kinh tế, tài chính…”, tân cử nhân gốc Đà Nẵng nói.
Nam sinh Trịnh Quang Thạch.
Thạch xác định mục tiêu trở thành giáo viên từ khi còn nhỏ. Người truyền cảm hứng cho cậu là cô giáo chủ nhiệm với những tiết dạy Văn sâu sắc và luôn ân cần với học sinh.
Lên bậc THCS, khi tiếp xúc với môn Địa lý, cậu nhận thấy đây là môn học muốn theo đuổi, khám phá. Cột mốc quan trọng ở năm lớp 9, dưới sự dạy dỗ của cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giáo viên Địa lý trường THCS Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng), Thạch lựa chọn thi vào lớp chuyên Địa, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
“Chặng đường đưa em đến với nghề “trân quý nhất trong tất cả các nghề trân quý” được gieo mầm, ấp ủ tại lớp chuyên của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Năm lớp 12 em giành giải Nhì học sinh giỏi Địa lý cấp quốc gia, nhờ vậy được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội”, nam sinh nhớ lại.
Những ngày đầu ra Hà Nội, cậu tân sinh viên chất giọng đặc sệt Đà Nẵng thấy bỡ ngỡ và lạc lõng. Thạch lựa chọn ở ký túc xá để gia đình yên tâm cũng như có thể làm quen, trao đổi kinh nghiệm với các bạn và anh chị cùng trường.
Tốt nghiệp sớm 3,5 năm
Với điểm GPA 3.98/4.0 Trịnh Quang Thạch đạt điểm A gần như tất cả các môn. Theo cậu để đạt kết quả học tập cao cần kế hoạch và quản lý tốt thời gian, làm rõ câu hỏi “học được gì sau một môn học?”.
Sáng đi học theo lịch học của khoa, chiều em lên thư viện đọc thêm sách. Trước khi đi thi, Thạch tự làm đề cương, xây dựng bộ câu hỏi cho môn học đó rồi tự trả lời. Nhờ đó, khi thi nam sinh biết chắc chắn câu hỏi đó ở đâu, kiến thức nào nên trả lời được trọng tâm thay vì học tràn lan.
Thế nhưng Thạch cũng tự nhận thường xuyên “nước đến chân mới nhảy”, cách ngày thi 1 tuần mới bắt đầu cày vào làm đề cương, ôn tập ngày đêm.
Nghỉ hè, Thạch cũng hiếm khi về nhà hay đi chơi. Cậu đăng ký học thêm để đẩy nhanh tiến độ ra trường. Nhờ vậy, tháng 2/2023, cậu hoàn thành chương trình, tốt nghiệp sớm ngành Sư phạm Địa lý.
Thạch cũng tham gia nghiên cứu khoa học và giành giải nhất nghiên cứu khoa học cấp Trường và giải khuyến khích cấp Bộ GD&ĐT với đề tài nghiên cứu giáo dục phát triển bền vững.
Sau tốt nghiệp, Thạch lựa chọn về làm việc tại trường THCS FPT (Đà Nẵng), cậu cũng dự định tiếp tục học nâng trình độ 7.0 IELTS lên để apply xin học bổng du học.
Hiện tượng hiếm của trường Sư phạm
Chị Nguyễn Thị Khánh Duyên – mẹ của Thạch xúc động với thành tích tốt nghiệp ngoài mong đợi của con trai. Cách đây 4 năm, ngày con thông báo muốn ra Hà Nội học chị sững người.
Khoảng cách từ Đà Nẵng ra Hà Nội học quá xa, lại không người thân nên chị Duyên không đồng ý sự lựa chọn của Thạch. Thạch thức trắng một đêm, kiên trì giải thích cho mẹ hiểu, ủng hộ mình. Sự “cứng đầu” của Thạch khiến mẹ phải chấp nhận.
Thời gian học ở Hà Nội, Thạch ít khi về nhà, mẹ con chỉ có thể quan tâm, hỏi thăm nhau qua điện thoại mỗi ngày. Ngày Thạch nhận bằng tốt nghiệp đại học cũng là lần đầu tiên chị Duyên được ra Hà Nội. Nhìn con đứng trên bục danh dự nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc, chị Duyên bồi hồi xúc động.
Trinh Quang Thạch đại diện K69 tặng hoa cảm ơn GS.TS Nguyễn Văn Minh trong lễ tốt nghiệp.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, lần đầu tiên ông gặp Thạch tại buổi lễ tốt nghiệp và trao bằng đại học hôm 9/6. Nam sinh khiến thầy Minh ấn tượng bởi sự nhiệt huyết và tình yêu với nghề giáo sâu sắc. Điều đó càng thể hiện rõ nét qua bài phát biểu của Thạch trong lễ tốt nghiệp.
Ngoài điểm số tốt nghiệp loại xuất sắc, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá Thạch có chuyên môn, tư duy logic và đức tính quan trọng nhất thầy thấy ở cậu học trò này là “lửa nghề, tình yêu thực sự với nghề giáo”.
“Ba yếu tố này rất quan trọng với người giáo viên chân chính, hội tụ đủ ở Thạch”, thầy nói và cho biết đây là lý do ông quyết định đưa ra lời mời cậu sinh viên này ở lại trường để tiếp tục học tập và nghiên cứu.
TS Nguyễn Quyết Chiến, Trưởng khoa Sư phạm Địa lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, ngay khi hoàn thành chương trình bậc đại học (tháng 2/2023), khoa từng có lời mời Thạch ở lại làm việc và tiếp tục học nâng cao trình độ. “Dấu ấn sau 3,5 năm học của Thạch tại khoa Địa lý rất rõ nét, hiếm sinh viên nào được như vậy, kể cả những khoá trước đây”, thầy nhận xét.