Sáng 5.10, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương, cho biết hằng năm cứ vào đầu năm học cơ quan này đều có văn bản hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (còn gọi là quỹ trường, quỹ lớp) cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Theo đó, Sở GD-ĐT Bình Dương yêu cầu thủ trưởng đơn vị các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc không nhận ủy quyền từ ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc thay mặt ban đại diện cha mẹ học sinh để thu tiền quỹ trường, quỹ lớp.
Trong trường hợp các phụ huynh tự thỏa thuận đóng tiền thì Sở GD-ĐT Bình Dương yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tuyệt đối không sử dụng tiền của ban đại diện cha mẹ học sinh để chi cho các hoạt động như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoc; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…
Thực hiện “5 không” trong vận động, tài trợ
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên nếu không xây dựng quỹ mà khi có các hoạt động như văn hóa, văn nghệ, thể thao, liên hoan cuối năm… thì các trường, lớp lấy kinh phí ở đâu để chi cho các hoạt động này?. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương cho biết: “Mỗi khi có hoạt động cần phải chi, ngoài kinh phí được cấp nếu không đủ, các trường, lớp có thể tự vận động xã hội hóa hoặc được tiếp nhận các khoản tài trợ nhưng phải được được sự đồng ý, chấp thuận của các cơ quan cấp trên, có thẩm quyền”.
“Việc vận động xã hội hóa, tiếp nhận tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không xem huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo”, vị lãnh đạo này cho hay.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT Bình Dương cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung: trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ các hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Khuyến khích các nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục.
Tuyệt đối không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ, trông giữ xe của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục…
Các đơn vị, cơ sở giáo dục vi phạm hoặc khi thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành và quy định của pháp luật.
Nguồn: https://thanhnien.vn/binh-duong-100-co-so-giao-duc-cong-lap-khong-lap-quy-truong-quy-lop-185241005110210923.htm