Ngày 28/01/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Sau 1 năm triển khai Đề án, hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tại các địa phương đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, 100% các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình sự kiện nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Chủ đề và nội dung các chương trình này đều bám sát với hoạt động chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực hoặc gắn liền với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế xã hội đặc thù của địa phương.
Qua đó, nhiều giải pháp cho các bài toán chuyển đổi số đã được đưa ra, nhiều “nỗi đau” đã tìm được cách giải, nhiều kinh nghiệm và bài học thành công được chia sẻ.
Đáng chú ý, việc thực hiện lồng ghép các nội dung về chuyển đổi số tại các chương trình trao đổi, triển lãm, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam ở nước ngoài cũng là cách tiếp cận đơn giản, gần gũi không chỉ với người dân Việt Nam mà còn cả du khách và bạn bè quốc tế.
Báo cáo của Bộ TT&TT cho biết, 100% các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. Trên đó, các tuyến bài khai thác và đăng tải phong phú, đa dạng về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực.
Hoạt động này tạo ra sự thiết lập tự nhiên trong nhận thức của người dân về chuyển đổi số.
Với mục tiêu hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực tiếp cận chuyển đổi số, các kênh truyền hình như Đài truyền hình Việt Nam (THVN) và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam đều đã sản xuất và phát sóng các chương trình, phóng sự tuyên truyền thu hút lượng người xem cao.
Trong đó, VTC thực hiện truyền thông qua 3 chương trình có lượng người xem cao nhất gồm Bản tin thời sự, Bản tin Sống kết nối và Chương trình trò chuyện (Talkshow VietnamOn).
Bên cạnh tuyên truyền chính sách của các Bộ, ngành về chuyển đổi số thì các chương trình được xây dựng với định hướng đi sâu vào các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số của doanh nghiệp công nghệ Việt, đồng thời tiếp cận nội dung từ góc độ người dân, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ để phục vụ công việc và đời sống.
Tận dụng thế mạnh là nền tảng Việt Nam được người Việt sử dụng nhiều nhất, Bộ TT&TT đã thiết lập và phát triển kênh Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia” trên nền tảng Zalo, hoạt động chính thức từ tháng 4/2022.
Kênh cập nhật thường xuyên các thông tin mới nhất về chuyển đổi số phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Sau hơn 1 năm triển khai, kênh Zalo OA đã có hơn 136.000 lượt theo dõi với hơn 10.000 lượt tương tác mỗi bài viết.
Bộ TT&TT xây dựng Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn là điểm truy cập chính thức của “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2023, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023”.
Linh An Trang