Thông tin những trường ĐH dẫn đầu công bố bài báo Scopus về khoa học máy tính được công bố trong hội thảo khoa học đánh giá chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” (KC-4.0/19-25) giai đoạn 2019-2023 và định hướng giai đoạn đến năm 2030 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 11.11.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sau 4 năm triển khai, chương trình KC-4.0 đã chọn triển khai 74 nhiệm vụ trong số 500 đề xuất đăng ký. Tuy nhiên, chỉ có 4 đề tài được cấp cho các cơ sở giáo dục ĐH phía nam.
“Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở TP.HCM nói riêng và phía nam nói chung lại rất sôi nổi. Đơn cử, chỉ tính năm 2022, trong tốp 10 cơ sở giáo dục có công bố quốc tế lĩnh vực khoa học máy tính trong danh mục Scopus nhiều nhất, có đến 7 đơn vị thuộc các tỉnh phía nam”, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ.
Ông Quân dẫn chứng thêm tổng kinh phí mà Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) đã tài trợ cho các đề tài, dự án, học bổng của ĐH Quốc gia TP.HCM trong 5 năm qua khoảng 90 tỉ đồng (chiếm 11,25% trong tổng gần 800 tỉ mà VINIF đã tài trợ). Ngoài ra, các nhà khoa học của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi về trí tuệ nhân tạo khác.
Cụ thể, theo số liệu được công bố trong hội thảo, năm 2022 trong số 50 trường ĐH có hơn 4.000 bài báo Scopus trong lĩnh vực khoa học máy tính. Trong đó, dẫn đầu là ĐH Quốc gia TP.HCM với 722 bài. Một số đơn vị có số lượng bài công bố nhiều kế tiếp gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội có 482 bài, ĐH Duy Tân 227 bài, ĐH Quốc gia Hà Nội 225 bài…
Cùng trong lĩnh vực khoa học máy tính, thống kê công bố bài báo của 50 đơn vị đào tạo ĐH Việt Nam từ 2019 đến 2023 có trên 17.700 bài. Từ năm 2000 đến nay, đơn vị ĐH dẫn đầu bài báo Scopus về khoa học máy tính như ĐH Quốc gia TP.HCM có hơn 3.700 bài được công bố.