1. Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới
Năm 2023, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022 của của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Theo đó, đã ban hành kế hoạch số 188-KH/ĐĐ, ngày 12/4/2023 phân công các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn về làm việc với các địa phương và các bộ, ngành Trung ương. Thực hiện kế hoạch này, với chủ trương hướng về cơ sở, Đảng đoàn đã tổ chức thành công 14 đoàn công tác làm việc với thường trực tỉnh ủy, thành ủy và chính quyền các địa phương về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW nói trên của Bộ Chính trị. Kết quả làm việc cho thấy cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố đều rất nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị.
Nhìn chung, các buổi làm việc đã đạt kết quả tốt, qua đó đã giúp cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố và các ban, ngành của tỉnh, thành phố hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam và sự cần thiết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia.
Hầu hết lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy đều rất quan tâm và đánh giá cao về vị trí, vai trò và kết quả hoạt động của Hội Luật gia trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Kết luận tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố đều quan tâm, chỉ đạo việc tạo điều kiện cho tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia. Đặc biệt, ở tất cả các tỉnh đều rất quan tâm và thảo luận kỹ về phương thức giao việc, khoán kinh phí cho hoạt động của Hội.
Cùng với đó, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã phát huy vị trí, vai trò và thế mạnh của Hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, như tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở và đạt được nhiều kết quả tốt. Được cấp ủy đảng, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân tin tưởng.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các Quy chế, Quy định, Hướng dẫn của Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, phù hợp với các văn bản mới của Đảng, Nhà nước về công tác Hội
Ngày 22/8/2023, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương. Thực hiện Quyết định số 118-QĐ/TW, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 283-KH/ĐĐ, ngày 22/12/2023 về việc quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương ban hành kèm theo theo Quyết định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Căn cứ các quy định mới của Đảng, Nhà nước, trong năm 2023, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, hướng dẫn của Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội để phù hợp với thực tiễn hoạt động của Hội và các văn bản mới của Đảng, Nhà nước về công tác Hội:
Cụ thể là, thực hiện Quy định số 97-QĐ/TW, ngày 07/02/2023 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Quy chế làm việc của Đảng đoàn số 285-QC/ĐĐ-HLGVN ngày 22 tháng 12 năm 2023 thay thế Quy chếlàm việc của Đảng đoànsố 342-QC/ĐĐ-HLGVN ngày 13/4/2020;
Qua 7 năm thực hiện “Quy chế thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể và quản lý các tổ chức trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam” đã phát huy tác dụng tích cực, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý các tổ chức trực thuộc của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Tuy nhiên, tới nay, Quy chế đã bộc lộ một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn về quản lý của Trung ương Hội đối với các đơn vị trực thuộc. Tại Hội nghị liên tịch lần thứ 18, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã thống nhất sửa đổi, bổ sung và ban hành Quy chế thay thế Quy chế thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể và quản lý các tổ chức trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam ban hành kèmQuyết định số 41/HLGVN ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Hội Luật gia Việt Nam.
Trong năm 2024, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các Quy chế, Quy định, Hướng dẫn của Trung ương Hội, đặc biệt là Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam để trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam Khóa XIV, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
3. Đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại
Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu; trong đó trọng tâm là xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
Trong năm 2023, các cấp Hội Luật gia Việt Nam tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật;chủ động tổ chức nghiên cứu và góp ý kiến nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Đường bộ (sửa đổi), Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ,Luật Căn cước công dân.v.v…
Đặc biệt là, thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Văn bản số 1410/UBPL15 ngày 09/01/2023 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và văn bản số 1697/UBTP15, ngày 13/01/2023 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Hội đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại và gửi xin ý kiến các cơ quan theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo kế hoạch, tháng 3/2024 sẽ trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
4. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024 – 2030”
Tiếp nối kết quả thực hiện Đề án “xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2023”, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giai đoạn 2024-2030”.
Ngày3/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đồng ý (tại Công văn số 8659/VPCP-PL) việc giao Hội Luật gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án này. Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng xong dự thảo Đề án, bảo đảm đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng là chú trọng phát huy vai trò tham gia của Hội Luật gia trong công tác này, đồng thời bảo đảm tính khả thi, không trùng lặp với nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tránh gây lãng phí Ngân sách Nhà nước.
Hội đã gửi hồ sơ xin ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan như: UBND, Sở Tư pháp, Hội Luật gia của 63 tỉnh, thành phố; các chi hội, đơn vị trực thuộc; các bộ, ban, ngành ở Trung ương. Qua tổng hợp cho thấy,các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết của việc ban hành Đề án. Đến nay, Hội đã hoàn thiện Hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Tăng cường vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác cải cách tư pháp
Năm 2023, các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã triển khai được nhiều nhiệm vụ cụ thể, thiết thực liên quan đến lĩnh vực tư pháp, đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về Đề án “xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp” (Công văn số 7669-CV/VPTW ngày 22/8/2023 của Văn phòng Trung ương Đảng), Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu ý kiến của Ban Bí thư, ý kiến đóng góp của các cơ quan, hoàn thiện Bộ phiếu hỏi và kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm lấy ý kiến người dân đối với hoạt động tư pháp trong năm 2024, trình đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương phê duyệt.
Bên cạnh đó, năm 2023 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Chương trình làm việc số 10-CTr/BCĐCCTPTW ngày 18/01/2023) cũng đã giao Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết, đánh giá chế định bào chữa viên nhân dân để có giải pháp trong thời gian tới”. Thực hiện nhiệm vụ nói trên, Đảng đoànHội Luật gia Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án gồm đại diện các cơ quan: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp. Đảng đoàn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng Đề án (số 207-KH/ĐĐ, ngày 15/6/2023), gửi công văn đặt các chuyên đề nghiên cứu theo nội dung của Đề án.
Đến nay đã hoàn thiện Báo cáo Tổng kết, đánh giá chế định bào chữa viên nhân dân để có giải pháp trong thời gian tới và gửi xin ý kiến các cơ quan. Theo Kế hoạch, Đề án sẽ hoàn hành và trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trong tháng 6/2024.
6. Tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giới luật gia về pháp luật bảo vệ môi trường
Thực hiện Chương trình phối hợp số03/CTPH-BTNMT-HLG ngày 05/10/2018 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và môi trường về công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023, năm 2023, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 15 hội nghị tập huấn cho cán bộ, hội viên của Hội Luật gia 63 tỉnh, thành phố về nâng cao năng lực pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường với hàng nghìn lượt luật gia tham dự.
Bên cạnh đó, Hội đã phát động và tổ chức các sự kiệnhưởng ứng ngày môi trường thế giới mùng 5 tháng 6với nhiều hoạt động cụ thể. Các cấp Hội Luật gia đã chủ động phối hợp với cơ quan tài nguyên, môi trường địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức thí điểm mô hình Chi Hội Luật gia ở cơ sở tuyên truyền, giám sát thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại cơ sở trên địa bàn một số tỉnh, thành phố; biên soạn, xuất bản 3000 cuốn sáchvề bảo vệ môi trườngvà 50.000 tời rơi hướng dẫn phân loại rác thải và phát hành tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tổ chức talk show về trách nhiệm doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường; chỉ đạo các đơn vị truyền thông của Hội tăng cường viết, đăng các tin, bài để góp phần thúc đẩy toàn xã hội nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Thông qua hoạt động này, các cấp Hội Luật gia đượcnâng cao kiến thức pháp luật và năng lực giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, mỗi luật gia tham gia tập huấn sẽ là những tuyên truyền viên, giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới cơ sở.
7. Phối hợp Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Quỹ quốc tế Con đường hòa bình và Trung tâm Luật Hòa bình của Nga tổ chức Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hòa bình và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế” tại Mát-cơ-va
Tiếp nối thành công của các cuộc hội thảo về Biển Đông được tổ chức tại Liên bang Nga trong năm 2018, 2019, 2022, từ ngày 20 – 26/6/2023, Hội Luật gia Việt Nam đã cử đoàn cán bộ tham dự Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hòa bình và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế” do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Hội luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Quỹ quốc tế Con đường hòa bình và Trung tâm Luật Hòa bình của Liên bang Nga tổ chức tại Mát-cơ-va, đồng thời thăm, làm việc và ký thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Đối ngoại Thành phố Xanh Pê-tec-bua.
Hội thảo đã đưa ra các kiến nghị nhằmgiải quyết tranh chấp về Biển Đông với mong muốn thúc đẩy các giải pháp toàn diện, coi trọng luật pháp quốc tế, tìm kiếm các giải pháp mang tính khả thi và tiệm tiến, phù hợp với tình hình còn nhiều phức tạp. Những đề xuất, kiến nghị đó cũng như kết luận của chủ trì hội thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ta trong giải quyết vấn đề Biển Đông, cũng như thể hiện sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với ta.
Việc Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại một cơ sở của một cơ quan Nhà nước của Liên bang Nga làViện Hàn lâm Khoa học Nga phần nào cho thấy sự trọng thị và quan tâm của phía Nga đối với Việt Nam nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng đang tăng lên.
Cùng với đó, thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Đối ngoại Thành phố Xanh Pê-tec-buasẽ tạo cơ sởđể hai bên triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm của haibên trong lĩnh vực xây dựng vàhoàn thiện pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền, giáo dục pháp luậtvà nâng cao văn hóa pháp lý, đóng góp vào quan hệ tốt đẹp giữa haiquốc gia.
8. Đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Luật gia Châu Á Thái Bình Dương (COLAP) tại Nha Trang
Với sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và tỉnh Khánh Hòa, trong ngày 8-9/12/2023, Hội Luật gia Việt Nam đãđăng cai tổ chức thành công Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Luật gia Châu Á Thái Bình Dương (COLAP) tại thành phố Nha Trang.
Đây là cuộc họp thường niên của Ban Chấp hành COLAP nên mục đích chính của hội nghị là thảo luận, thông qua báo cáo hoạt động, báo tài chính 6 tháng cuối năm của COLAP; bàn kế hoạch tổ chức Đại hội COLAP năm 2024 (được tổ chức 3 năm/1 lần theo Điều lệ COLAP); trao đổi, thảo luận các vấn đề luật pháp, chính trị mà các nước cùng quan tâm.
Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó chủ tịch COLAP, đã thông tin tới các đại biểu tham dự Hội nghị kết quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong các năm vừa qua và khẳng định Hội đã, đang và sẽ luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ theo Điều lệ và được Đảng, Nhà nước giao, điển hình như triển khai phổ biến, tư vấn pháp luật cho người dân, tham gia đóng góp ý kiến cho nhiều dự thảo văn bản pháp luật của Nhà nước, tổ chức một số hội thảo về vấn đề Biển Đông, tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam…, qua đó, đóng góp cho mục tiêu bảo vệ nhân quyền, hòa bình, dân chủ, thực thi Hiến chương Liên hiệp quốc của COLAP và thể hiện trách nhiệm của Hội trong việc góp phần xây dựng COLAP ngày càng phát triển và hoạt động có hiệu quả.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với công tác tổ chức chu đáo, trọng thị, về sự tinh tế, độc đáo của nền văn hóa nghệ thuật dân tộc và ẩm thực đặc sắc của Việt Nam; đồng thời cũngcảm nhận được sự thân thiện, hiếu khách của người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nha Trang nói riêng.
9. Tổ chức thành công Tuần lễ trưng bảy ảnh “Luật gia Việt Nam với Biển, đảo quê hương” tại thành phố Cần Thơ
Trong những ngày từ 17-23/4/2023 tại Công viên Lưu Hữu Phước, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức chương trình trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” gồm bảy khu trưng bày với chủ đề đa dạng và phong phú.
Đây là sự kiện đặc biệt ý nghĩa, nhằm giới thiệu đến Nhân dân Cần Thơ, độc giả cả nước và cán bộ, hội viên Hội Luật gia Việt Nam về quá trình xây dựng và phát triển cùng những đóng góp tích cực của giới Luật gia Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Đồng thời, giới thiệu đến người xem những hình ảnh tươi đẹp, sinh động, phong phú về biển, đảo quê hương Việt Nam.
Các tác phẩm là những hình ảnh về chủ quyền biển đảo Việt Nam, các tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý và các hoạt động khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; cuộc sống đời thường cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo.
Với thông điệp “Lan tỏa yêu thương, cộng đồng trách nhiệm với biển, đảo quê hương”, Hội Luật gia Việt Nam mong muốn người xem, đặc biệt là giới trẻ, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên sẽ có nhận thức đúng đắn về truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, có ý thức, trách nhiệm phản bác lại những quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch đưa ra không có căn cứ, thiếu khách quan, trái với nguyên tắc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo – phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đặt ra phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhiều năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã phối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan, đồng thời phát huy vị thế của tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, cũng như uy tín của Hội trong cộng đồng luật gia quốc tế để triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng trên cơ sở luật pháp quốc tế.
10. Tiếp công dân, trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương và nhiều địa phương
Trong năm 2023, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trong toàn hệ thống hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; nội dung, lĩnh vực đa dạng, số lượng vụ việc đều tăng hơn so với năm 2022. Hoạt động tiêu biểu trong công tác này là việc tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương và Trụ sở tiếp công dân các cấp của Trung ương Hội và các cấp hội trong cả nước. Hoạt động này đã được lãnh đạo Trụ sở tiếp công dân Trung ương và chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Ở Trung ương Hội đã cử các luật gia uy tín, có nhiều kinh nghiệm tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Trong năm 2023, đã thực hiện tiếp công dân được 89 ngày và trợ giúp pháp lý cho 93 lượt công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Ở các cấp hội đã có 39/63 Hội Luật gia tỉnh, thành phố cử cán bộ Hội tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở địa phương. Trong quá trình tham gia tiếp công dân, các luật gia luôn thực hiện đúng vài trò, trách nhiệm, khách quan, độc lập theo quy định của pháp luật.
Phần lớn những khiếu kiện của công dân liên quan đến đất đai: Giải phóng mặt bằng, đền bù đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất…hoặc liên quan đến việc giải quyết các chính sách chế độ về nhà ở, chế độ trợ cấp xã hội, tố cáo cán bộ lợi dụng chức quyền tham nhũng,… Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình và giúp giảm các vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.