Chiều 28-9, Trung ương Đoàn công bố top 10 gương mặt nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng khoa học công nghệ ‘Quả cầu vàng’.
Sau hơn 4 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 69 hồ sơ đề cử của 38 cơ quan, đơn vị, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong cả nước và Đại sứ quán Việt Nam, Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Năm nay, chất lượng hồ sơ đăng ký tham gia tốt và có nhiều thành tích xuất sắc. Trong đó, nhiều cá nhân có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, có nhiều công bố quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.
Sau khi có kết quả sơ tuyển, ngày 30-8, hội đồng giải thưởng đã tiến hành họp phiên thứ nhất, xem xét kỹ từng hồ sơ và tiến hành thảo luận, đánh giá từng cá nhân theo lĩnh vực, bỏ phiếu chọn ra 18 ứng viên xuất sắc nhất công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngày 19-9, hội đồng họp phiên thứ hai thảo luận, bỏ phiếu và thống nhất đề xuất các cá nhân xuất sắc tiêu biểu.
Căn cứ quy chế và đề xuất của hội đồng giải thưởng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023 cho 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất.
Top 10 nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng Quả cầu vàng:
1. TS Trịnh Văn Chiến, 34 tuổi, giảng viên, trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu mạng máy tính và công nghệ truyền thông thế hệ mới, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, với nghiên cứu xem xét việc tích hợp công nghệ cực nhiều ăng ten trong mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh dưới ảnh hưởng của tương quan không gian giữa các phần tử tán xạ.
2. TS Phạm Huy Hiệu, 31 tuổi, giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Trường đại học VinUni, với nghiên cứu “Hệ thống VAIPE theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt”.
3. TS Nguyễn Trọng Nghĩa, 33 tuổi, giảng viên Đại học Adelaide, bang Nam Úc, nghiên cứu phát triển một loại ăng ten có thể đồng thời tái cấu hình với các tham số khác nhau, có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều loại ăng ten đa chức năng cần tự điều chỉnh một cách linh hoạt tần số và độ phân cực.
4. TS.BS Ngô Quốc Duy, 34 tuổi, phó trưởng khoa ngoại đầu cổ, Bệnh viện K, nghiên cứu phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua tiền đình miệng thông qua ứng dụng kỹ thuật trong nạo vét hạch cổ bên điều trị ung thư tuyến giáp.
5. TS Hà Thị Thanh Hương, 34 tuổi, trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, khoa kỹ thuật y sinh, Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM – nghiên cứu phần mềm Brain Analytics, phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh, đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%.
6. TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú, 35 tuổi, nghiên cứu viên Trung tâm Y sinh học phân tử, Đại học Y Dược TP.HCM, với nghiên cứu “Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản”.
Nghiên cứu này nhằm phân lập và sản xuất được các dị ứng nguyên phù hợp, đặc trưng cho bệnh nhân Việt Nam và phát triển các kỹ thuật xét nghiệm in vitro giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán, tiên lượng dị ứng thức ăn, nguy cơ phản ứng của bệnh nhân với từng loại thức ăn tiêu thụ.
7. TS Lê Đình Anh, 34 tuổi, giảng viên Viện Công nghệ hàng không vũ trụ, Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, với nghiên cứu biên dạng cánh cải tiến giúp tăng mô men và công suất khí động cho tua bin gió Savonius 5,5% ở tỉ tốc gió thấp và tới 185% ở dải tỉ tốc cao ~1,5.
8. TS Ngô Ngọc Hải, 32 tuổi, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu hệ gene, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới các loài động vật nói chung và nhóm các loài bò sát nói riêng, dựa trên các mô hình thuật toán dự đoán.
9. ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh, 33 tuổi, trưởng nhóm nghiên cứu vật liệu hóa sinh và môi trường, Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, Đại học Quốc gia TP.HCM, với công trình nghiên cứu có ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học vật liệu mới khi đã nghiên cứu khả năng xúc tác của Zr và Hf-MOF trong phản ứng tổng hợp 2-arylbenzoxazole.
10. PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, 35 tuổi, giảng viên cao cấp khoa kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Cần Thơ, với nghiên cứu đưa ra giải pháp tận dụng hiệu quả lượng lớn bùn lắng từ các nhà máy xử lý nước và tro bay nhiệt điện để sản xuất vật liệu cường độ thấp có kiểm soát (CLSM), với định hướng ứng dụng trong san lấp mặt bằng nhằm thay thế nguồn cát san lấp đang rất khan hiếm hiện nay.
Giải thưởng Quả cầu vàng nhằm phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam (không quá 35 tuổi tính đến năm xét trao giải) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước
Các gương mặt được lựa chọn có thành tích xuất sắc trên năm lĩnh vực: công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; công nghệ y – dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.
Tuoitre.vn