UNICEF ước tính khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cực cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các nguy cơ với trẻ em như tình trạng khan hiếm nước dùng, bệnh tật, ô nhiễm không khí, các hình thái thời tiết cực đoan …, tất cả những yếu tố môi trường được coi là có ảnh hưởng đáng kể tới quá trình sinh trưởng của trẻ trong giai đoạn hoàn thiện cơ thể từ ý thức đến thể chất. Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho rằng những hậu quả này thực sự khắc nghiệt.
Báo cáo của Liên hợp quốc về bạo lực trẻ em năm 2023 nêu rõ trẻ em ngày càng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của tình trạng bạo lực do các cuộc khủng hoảng đa tầng và chồng chất. Nguy cơ gia tăng, các biện pháp ứng phó không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thế giới đang chệch lộ trình thực hiện mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt mọi hình thức bạo lực nhằm vào trẻ em.
Bên cạnh đó, khoảng 100 triệu trẻ em rơi vào tình cảnh nghèo về mọi mặt do ảnh hưởng của đại dịch. Đói nghèo lại là nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực trẻ em, trong đó phải kể đến các tình trạng như lao động trẻ em, tảo hôn, buôn bán trẻ em, lạm dụng tình dục và tuyển mộ trẻ em cho các đường dây tội phạm, bạo lực cực đoan. Số trẻ em là đối tượng bị sử dụng lao động đã tăng lên 160 triệu, 35% các nạn nhân buôn người được phát hiện là trẻ em.
Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, được thông qua ngày 20/11/1989, là công ước nhân quyền được công nhận rộng rãi nhất trong lịch sử, bao hàm 3 trụ cột chính gồm bảo vệ trẻ em trước mọi loại phân biệt, ưu tiên những lợi ích tốt nhất cho các em và đảm bảo cho các em quyền được sống, phát triển.
Công ước cũng khẳng định mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền, bất kể dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, khả năng hay bất kỳ tình trạng nào khác. Tới nay, hơn 195 quốc gia đã phê chuẩn công ước, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn (tháng 2/1990).
Đồng thuận đã đạt được, lộ trình đã được vạch ra, công tác thực hiện Công ước cũng mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc, như giảm số ca tử vong có thể ngăn chặn được ở trẻ em, tăng số trẻ em tới trường và giảm nghèo đói cũng như tăng khả năng được tiếp cận nước sạch và dinh dưỡng.
Chỉ có điều, những tiến bộ đó chưa đồng đều, những vấn đề khó khăn nhất với thế giới như giải quyết bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện để mọi trẻ em trên thế giới đều được hưởng lợi, và đặc biệt là bảo vệ trẻ em trước bạo lực và biến đổi khí hậu vẫn chưa thể tháo gỡ.
Hàng triệu trẻ em vẫn bị vi phạm những quyền cơ bản khi không được chăm sóc y tế phù hợp, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ trước bạo lực. Tuổi thơ của nhiều trẻ kết thúc sớm khi buộc phải bỏ học, tham gia những công việc nặng nhọc độc hại, kết hôn, thậm chí bị kéo vào các cuộc xung đột…
Nguy cơ trực tuyến đối với trẻ em đang ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trẻ em chiếm 15% trong số các nạn nhân của tình trạng bạo lực mạng được báo cáo, chưa kể những nguy cơ tiềm tàng khác.
Tất cả những yếu tố kể trên khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới không được hưởng các quyền cơ bản, không được hỗ trợ và được bảo vệ như trong quy định của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Mọi trẻ em, ở bất kỳ đâu, đều có quyền được sống trên một thế giới hòa bình. Trẻ em có quyền hưởng một hành tinh an toàn và đáng sống. Trẻ em phải được lắng nghe và tham gia vào mọi quyết định có ảnh hưởng đến chúng… Hiện nay, hàng loạt thông điệp như vậy được lan tỏa, thúc giục các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng phải cùng nỗ lực, không chỉ là cam kết chính trị mà cần hành động quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng vi phạm quyền trẻ em, để mọi trẻ em trên khắp thế giới đều được đảm bảo những nhóm quyền cơ bản: quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.
Trẻ em là tương lai của nhân loại, bảo vệ quyền trẻ em cũng là bảo vệ quyền con người ở giai đoạn sớm nhất để xây dựng một tương lai phát triển bền vững mai sau.
Vi Minh