Ngày 21/8, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Trọng Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết tại đây đã tiếp nhận 2 bệnh nhân gồm B.Đ.L (41 tuổi) và T.P.B (46 tuổi), cùng là ngư dân trên tàu đánh cá ở vùng biển Kiên Giang.
Hai ngư dân nhập viện trong tình trạng bị co giật, tê lưỡi, tê chân, đau đầu, người mệt mỏi. Qua khám tiền sử bệnh, được biết, hai bệnh nhân này và một người nữa có nhậu với cá nóc. Sau khi ăn thì một ngư dân đi cùng tàu đánh cá đã tử vong, những người còn lại bệnh nặng, nhờ được xử lý kịp thời nên qua khỏi.
Trước đó, vào khoảng 17h ngày 19.8, ông L, ông B và ông N.X.H (TP Hà Tiên, Kiên Giang) tổ chức nhậu trên tàu đánh cá đang neo đậu ngoài khơi, thuộc vùng biển Nam Du.
Đến 19h cùng ngày, cả nhóm ngừng nhậu, tới khoảng 1h sáng ngày 20.8, ông H bị co giật và sau đó tử vong. Ông L và ông B cũng có biểu hiệu khó thở, co giật được bạn trên tàu đánh cá đưa vào Trạm Y tế xã An Sơn, huyện Kiên Hải, rồi chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải sơ cấp cứu.
Sau đó, cả hai tiếp tục được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang ngày 20/8. Sau khi được cấp cứu kịp thời, đến nay, sức khỏe của cả hai ngư dân đã ổn định, tiếp xúc tốt hơn.
Theo bác sĩ Huỳnh Trọng Tâm cho, thực tế chưa nghiên cứu là rượu có thể làm tăng độc tính khi kết hợp với một số thành phần trong cá nóc hay không. Tuy nhiên, những dấu hiệu ngộ độc của bệnh nhân rất tương xứng với triệu chứng lâm sàng của ngộ độc cá nóc.
Trên thực tế, người dân vẫn sử dụng cá nóc để làm thực phẩm, tuy nhiên, trong quá trình chế biến có thể bị vỡ gan, hoặc mật cá, làm thấm vào da thịt cá và gây ra độc.
Ngoài ra, cùng với một số yếu tố bên ngoài khi ăn kèm với cá nóc, có thể làm tăng độc tính, chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo đối với những thức ăn chưa rõ thì người dân hạn chế tối đa việc sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Thu Phương