Tình trạng thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên đang ngày càng trầm trọng tại Trung Quốc, bắt nguồn từ sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế, khi đơn hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng giảm; nhu cầu tiêu dùng suy yếu…
Thanh niên Trung Quốc tham gia một hội chợ việc làm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp tại tỉnh An Huy, ngày 4/9. (Nguồn: Reuters) |
Đừng nói họ “thất nghiệp”, họ chỉ đang ở tình trạng “chậm việc làm” – đây là thông điệp mới nhất vừa được chính quyền thành phố Thượng Hải đưa ra giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc vẫn tăng cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Theo khảo sát mới nhất của chính quyền thành phố, Thượng Hải cũng là đô thị có hơn 1/3 sinh viên mới tốt nghiệp đại học chưa có việc làm.
Thuật ngữ “chậm việc làm” – phản ánh tình trạng hờ hững tìm việc của giới trẻ sau khi tốt nghiệp hoặc có ý định học lên bậc cao hơn, đã tăng hơn gấp đôi tại Thượng Hải trong 8 năm qua, từ 15,9% vào năm 2015 lên 38% trong năm nay.
Số liệu trên được Cục Thống kê quốc gia (NBS) chi nhánh Thượng Hải công bố trong tháng 9 này sau khi thăm dò ý kiến hơn 4.000 sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào tháng 4 – giai đoạn cao điểm của mùa tuyển dụng mùa Xuân dành cho những tân cử nhân muốn gia nhập thị trường việc làm.
Trong số những người lựa chọn “chậm việc làm”, 32% dự định tiếp tục việc học và 6% chỉ đơn giản là hoãn việc làm. NBS cho biết, trong số những người được thăm dò, 57% chọn trực tiếp tham gia thị trường việc làm vào năm 2023.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ những người trì hoãn việc làm mà không có kế hoạch cụ thể đã tăng gấp 5 lần so với năm 2015, từ 1,2% lên 6%.
Vốn là trung tâm kinh tế của Trung Quốc, Thượng Hải tự hào là nơi tập trung nhiều trường đại học hàng đầu cả nước, chiếm khoảng 2% trong số 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học của quốc gia này trong năm nay.
Tình trạng thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên ngày càng trầm trọng tại Trung Quốc, bắt nguồn từ sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế, khi đơn hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng giảm; nhu cầu tiêu dùng suy yếu…
Thất nghiệp kéo dài khiến giới trẻ Trung Quốc chán nản, chọn lối sống “nằm im”. (Nguồn: SCMP) |
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc) Wang Dan cho biết: “Chậm việc làm không đồng nghĩa với thất nghiệp nhưng họ là những người lao động chán nản – những người quyết định nằm im”.
Bà Wang Dan lưu ý rằng, nhiều gia đình có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ con cái, nhưng nếu để giới trẻ phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ đó quá lâu thì sẽ nảy sinh khá nhiều hệ lụy.
“Lương hưu và nguồn lực của nhiều bậc cha mẹ rất hạn chế và họ không đủ khả năng để con cái ở nhà quá lâu”, chuyên gia trên cho biết.
Một nhận định đáng chú ý đi cùng với kết quả khảo sát ở Thượng Hải cho thấy: “Sau ba năm áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, các lớp học trực tuyến đã không đáp ứng được yêu cầu khi lứa sinh viên mới tốt nghiệp thiếu kinh nghiệm thực tập, kỹ năng giao tiếp”.
Sau giai đoạn này, đã có thêm nhiều thuật ngữ mới như “việc làm linh hoạt” hay “việc làm nhẹ nhàng” để chỉ những người làm việc tự do hoặc hợp đồng bán thời gian thay vì công việc toàn thời gian; “làm con toàn thời gian” hay “được trả lương làm con” – để chỉ những người trưởng thành thất nghiệp sống cùng bố mẹ, được phụ huynh trả lương để làm việc nhà, chăm sóc ông bà…
Các chuyên gia xã hội cho rằng, những đối tượng như vậy không nên tính vào số lượng thanh niên thất nghiệp bởi lẽ đa phần đều không tích cực tìm kiếm việc làm.
Trong bối cảnh việc làm ở khu vực tư nhân ngày càng khó khăn, các vị trí việc làm ở các cơ quan công quyền cũng chứng kiến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt dù thu nhập hằng năm chỉ ở mức trung bình.
Ước tính, trong kỳ thi công chức quốc gia vào tháng 11 tới đây, đã có gần 2,6 triệu người đăng ký tham gia thi tuyển cho 37.100 vị trí việc làm – nhiều nhất trong gần một thập niên trở lại đây.